miệng hố rộng 12 m hình thành sau tiếng nổ lớn ở Nicaragua. Ảnh: AP. |
Các quan chức chính phủ xác nhận thiên thạch rơi xuống khu vực này tối 6/9, hình thành miệng hố rộng 12 m. Không có thiệt hại hay thương vong nào được ghi nhận. Tờ Today Nicaragua đưa tin, miệng hố được phát hiện sau tiếng nổ lớn vào khoảng 23h. Nó nằm trong một rừng cây gần sân bay Quốc tế Sandino.
AP dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Rosario Murillo cho biết, họ xác định đây là một thiên thạch tương đối nhỏ, có thể xuất hiện khi tiểu hành tinh tiến gần về phía Trái Đất.
Trước đó, các chuyên gia phát hiện tiểu hành tinh mới 2014 RC, được dự đoán xẹt qua Trái Đất hôm 8/9 ở khoảng cách gần 40.000 km. Theo CNN, Cơ quan Vũ trụ Hàng không Mỹ (NASA) chưa xác nhận mối liên hệ giữa thiên thạch và tiểu hành tinh. Các nhà khoa học đang bắt đầu tìm kiếm dấu vết của thiên thạch. Chính phủ nicaragua đồng thời kêu gọi Mỹ tham gia hỗ trợ điều tra.
Theo ước tính của NASA, có đến hàng nghìn tiểu hành tinh có thể đe dọa đến Trái Đất, tuy nhiên, giới chuyên gia chưa xác định nguy cơ va chạm sớm. Ngày 15/2 năm ngoái, khối thiên thạch nặng khoảng 7.000 đến 10.000 tấn, lao vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/giờ và phát nổ ở độ cao từ 19 đến 24 km so với mặt đất. Nó gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh Chelyabin, Tyumen, Kyrgan và Sverdlovsk, cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Urals của Nga.
Vụ nổ thiên thạch gây ảnh hưởng nặng nề đến các khu vực này, làm hơn 3.000 ngôi nhà hư hại và khoảng 1.500 người bị thương. Các nhà khoa học tiến hành trục vớt phần lớn nhất của thiên thạch từ hồ Chabarkul, ngoại ô thành phố Chelyabinks, hồi tháng 10.
Linh Anh