Tê giác đực Harry ở vườn thú Cincinnati, Mỹ. Ảnh: Facebook. |
Theo Earth Touch News, Harapan hay Harry, con tê giác đực 8 tuổi, rời vườn thú Cincinnati ở Mỹ hôm 30/10. Điểm đến của nó là khu bảo tồn Tê giác Sumatra (SRS) trên đảo Sumatra, Indonesia, một cơ sở nhân giống nằm trong công viên quốc gia Way Kambas.
Harry, con tê giác cuối cùng sống ngoài khu vực Nam Á, đã tới tuổi giao phối và những nhân viên vườn thú Cincinnati hy vọng nó sẽ chọn được bạn tình phù hợp giữa ba ứng cử viên tiềm năng ở khu bảo tồn.
Với khoảng 100 cá thể còn sót lại trong tự nhiên, tê giác sumatra nằm trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Do đó, đem đến cho Harry cơ hội trở thành cha của nhiều con non là một động thái quan trọng nhằm duy trì sự tồn tại của loài này.
"Không ai muốn Harry đi. Nhiều người trong chúng tôi chứng kiến nó ra đời ở đây 8 năm trước, chăm sóc cha mẹ và các chị em của nó. Chúng tôi rất gắn bó với Harry. Nhưng chúng tôi biết tạo cho nó cơ hội nhân giống ở Sumatra là điều đúng đắn cần làm cho loài vật này", tiến sỹ Terri Roth, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu Động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CREW) của vườn thú Cincinnati, cho biết.
Vận chuyển một con tê giác nặng hơn 800 kg qua đại dương không phải nhiệm vụ dễ dàng. Đội nhân viên vườn thú đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, tiến hành kiểm tra sức khỏe của Harry và mang theo chiếc chuồng di chuyển đặc biệt của nó. Chiếc chuồng gắn một cánh cửa, có thể mở ra ở nơi quá cảnh để cho tê giác ăn và kiểm tra y tế.
Harry trong chiếc chuồng đặc biệt dành riêng cho vận chuyển. Ảnh: Facebook. |
Hộ tống Harry là tiến sĩ Jenny Nollman, bác sĩ thú y của vườn thú, và Paul Reinhart, người trông coi con tê giác. Để đảm bảo con tê giác cảm thấy thoải mái nhất, những món ăn yêu thích của nó được cung cấp trong suốt hành trình. "Chúng tôi mang theo ba loại quả sung và những thứ Harry thích như táo, chuối, lê. Nó rất thích ăn uống, bởi vậy chúng tôi cho nó đồ ăn để nó có thể bình tĩnh và vui vẻ với chuyến đi", Reinhart giải thích.
Hôm 1/11, đội hộ tống thông báo trên Facebook Harry đã đến Jakarta, Indonesia, an toàn và họ tới Sumatra vài giờ sau đó.
Do số lượng thu nhỏ và môi trường sống gắn với rừng mưa nhiệt đới, những cá thể tê giác Sumatra ngày càng khó tìm bạn tình trong tự nhiên để duy trì nòi giống. Gần đây, loài tê giác này được tuyên bố là đã tuyệt chủng tại Malaysia.
Vườn thú Cincinnati là nơi duy nhất ngoài Indonesia thành công với chương trình nhân giống tê giác Sumatra, và con non đầu tiên ra đời trong vườn thú năm 2001.
"Indonesia sẽ tiếp nhận một con tê giác khỏe mạnh và đẹp mã đến từ Mỹ. Chúng tôi hy vọng sau khi ổn định chỗ ở, nó sẽ nhân giống thành công tại khu bảo tồn", tiến sỹ Roth nói.
Phương Hoa