Minh họa tên lửa mạnh nhất tới nay. Ảnh: Boeing |
Theo CNBC, hệ thống phóng có tên viết tắt SLS này đang được xây dựng tại công viên khoa học rộng 3,4 km2 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ở ngoại ô thành phố New Orleans, Mỹ. Đây là loại tên lửa chỉ dùng một lần, chuyên chở phi hành gia tới các nơi xa xôi trong vũ trụ như sao Hỏa.
Lần phóng thử nghiệm không người lái đầu tiên sẽ tiến hành vào năm 2018. Đến năm 2021, các phi hành gia sẽ bay vào không gian bằng tàu Orion sử dụng tên lửa đẩy SLS.
Trong năm 2016, Quốc hội Mỹ sẽ cấp cho NASA hai tỷ USD thực hiện dự án SLS, phần lớn trong đó để Boeing chế tạo tên lửa đẩy. Tên lửa này sẽ có các bồn chứa nhiên liệu hydro và oxy lỏng, đảm bảo lực đẩy vào khoảng gần 40 triệu Newton, tương đương 31 máy bay 747 ở công suất tối đa, theo kỹ sư Tony Castilleja của Boeing.
"Đây sẽ là tên lửa duy nhất có thể giảm thời gian di chuyển còn một nửa, tăng gấp đôi khả năng khám phá khoa học và không gian", ông Castilleja nói. Quốc hội Mỹ cũng đã thống nhất sẽ nâng ngân sách dành cho NASA trong dự án này lên tới 19,3 tỷ USD.
NASA cũng hy vọng sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn sau hai chuyến bay thử nghiệm tới sao Hỏa đầu tiên. Khi trở về, tên lửa có thể đưa các phi hành gia tới Mặt Trăng hoặc một tiểu hành tinh nào đó.
Các kỹ sư đang tập trung vào phần chế tạo tên lửa, làm cho nó nhẹ hơn bằng cách giảm trọng lượng các mối hàn và bỏ phần sơn trắng chỉ có tác dụng trang trí trên thân tên lửa, đảm bảo dự án đúng tiến độ, dự trù kinh phí đã đặt ra.
hệ thống phóng tên lửa boeing sls :
76 triệu USD cũng đã được dành ra để kiểm nghiệm các bồn chứa nhiên liệu lỏng. Bồn chứa hydro lỏng cao tới 40 mét, có thể được thử nghiệm vào cuối năm nay.
"Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là phải kiểm tra động cơ, các bồn chứa nhiên liệu lỏng, gần như tất cả cùng một lúc", Wright cho biết. Các bài kiểm tra này sẽ xác định được những giới hạn của tên lửa.
Nguyễn Thành Minh