Tuyết liên mọc trên đỉnh núi Thiên Sơn. Ảnh: Ts.cn |
Theo CCTV, nhóm 31 người leo núi đã nhổ hàng trăm bông hoa sen trên đỉnh núi Thiên Sơn - một dãy núi nằm ở khu vực Trung Á, giữa biên giới tây bắc Tân Cương (Trung Quốc) và Kazakhstan.
Năm 1996, tuyết liên được xếp vào nhóm bảo vệ thực vật cấp hai ở Trung Quốc. Năm 2000, chính quyền nước này ban hành văn bản, nhấn mạnh không được phép đào hoặc ngắt trộm tuyết liên hoang dã.
Tuy nhiên, bất chấp luật pháp, nhóm leo núi không thừa nhận hành vi hái trộm hoa. Theo Xinhua, nhóm này leo núi Thiên Sơn từ 27/7-7/8 và đưa ảnh lên mạng. Những hình ảnh lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, vấp phải vô số chỉ trích. Hiện nhóm này đang bị Cục kiểm lâm Tân Cương điều tra .
Theo DBW, tuyết liên được gọi là "Bách thảo chi vương" (Vua của trăm loài dược thảo). Đây là loài cây hiếm, chỉ sinh trưởng ở trên núi cao 2.500-4.000 mét so với mực nước biển. Nó mọc trong các khe núi đá, là loài sinh trưởng chậm, mất 5-7 năm từ lúc nảy mầm đến khi nở hoa, và chỉ 5% số hạt có thể nảy mầm.
Hạt tuyết liên nảy mầm ở nhiệt độ 0 độ C, sinh trưởng trong điều kiện 3-5 độ C, và chịu được lạnh -21 độ C. Nó có thể nảy mầm, sinh trưởng và ra hoa trong thời gian ngắn, là kết quả của quá trình thích nghi với môi trường khắc nghiệt trên núi tuyết ở khu vực Tân Cương, Tây Tạng.
Mặc dù mất 5-7 năm từ lúc nảy mầm đến khi nở hoa nhưng quá trình tăng trưởng thực tế của nó chỉ diễn ra trong khoảng 8 tháng. Đây là đặc điểm sinh học độc đáo mà hiếm loài nào có được.
Tuyết liên được sử dụng trong y học cổ truyền Tây Tạng hàng nghìn năm nay. Nó giàu alkaloid, flavonoid và nhiều chất khác, có tác dụng tăng cường khí huyết, đặc biệt hữu hiệu trong việc thúc đẩy lưu thông máu, từ đó tăng cường âm dương cho nam giới và nữ giới. Ngoài ra, nó có chất hạ sốt và giải độc tự nhiên, thường sử dụng để chữa viêm thấp khớp.
Theo các nhà khoa học Vườn thực vật Missouri (Mỹ) sự bùng nổ kinh tế trung quốc và làn sóng khách du lịch đổ về Tây Tạng, Tân Cương thập kỷ trước khiến nhu cầu sử dụng tuyết liên tăng cao. Những người thu hái thuốc truyền thống chỉ hái những bông lớn và lượng nhỏ đủ dùng. Tuy nhiên, đồn thổi về tính chất quý hiếm và công dụng của nó dẫn đến khai thác quá đà và đe dọa tuyệt chủng.
Tân Cương năm 2007 tuyên bố loài hoa trắng mọc trên núi tuyết này là thực vật bảo vệ cấp quốc gia. Việc khai thác tuyết liên phải trong vùng quy hoạch, do cơ quan quản lý thực vật hoang dã cấp phép.
Hàng trăm bông hoa bị hái trộm. Ảnh: CCTV |
Hồng Hạnh