Giáo sư Karen King công bố tấm giấy cói được cho là "Phúc âm về vợ Chúa Jesus". Ảnh: Christianpost |
Theo Live Science, trên tấm giấy "Phúc âm về vợ Chúa Jesus" được viết bằng chữ Coptic (một ngôn ngữ Ai Cập), đề cập đến một người phụ nữ tên là Mary. Trong đó, chứa những cụm từ như "Jesus nói với họ rằng, vợ ta..." và "nàng là tông đồ của ta." Điều này thể hiện, không chỉ Đức Chúa rất có thể đã lấy vợ, mà còn cho thấy phụ nữ cũng có thể trở thành linh mục được thụ phong.
Cuộc tranh cãi về độ xác thực của "kinh phúc âm" bắt đầu khi giáo sư Karen King, đại học Havard báo cáo về tấm giấy cói tháng 9/2012. King cho biết, tấm giấy có từ thế kỷ thứ 4, có thể là bản sao của một kinh phúc âm viết từ thế kỷ thứ hai ở Hy Lạp.
Ngay sau đó, một bài xã luận trên báo của Tòa thánh Vatican tuyên bố, tấm giấy bị làm giả. Một số học giả khác cũng đồng tình với bài báo. Giáo hội Anh bác bỏ tấm giấy, cho là nó giống với tiểu thuyết hư cấu "Mật mã Da Vinci" hơn là tài liệu lịch sử. Trong cuốn tiểu thuyết, tác giả Dan Brown viết rằng, người bên phải Chúa Jesus là Mary Magdalene, vợ ngài.
Tranh cãi quanh "ảnh Chúa" trên tấm vải liệm thành Turin
Tuy nhiên, các nhà khoa học Havard đã phân tích tấm giấy cẩn thận. Trong báo cáo đăng trên tạp chí Havard Theological Review năm ngoái, bà King cho biết, bằng phương pháp xác định đồng vị cacbon, tấm giấy cói có niên đại khoảng 1.200 năm trước (giữa thế kỷ thứ 6-9), mực viết là loại được tạo ra cùng thời. Những phát hiện mới này làm tăng tính xác thực của đoạn cổ văn.
Xuất xứ bí ẩn của tấm giấy cói
Chủ sỡ hữu hiện tại của tấm giấy cói không muốn tiết lộ danh tính. Ông tuyên bố, mua "Phúc âm về Vợ Chúa Jesus", cùng nhiều văn bản Coptic khác năm 1999, từ một người đàn ông có tên Hans-Ulrich Laukamp. Người này có được tấm giấy từ Potsdam (Đông Đức cũ), năm 1963.
Laukamp qua đời năm 2002. Nhiều người cho rằng ông không phải chủ nhân tấm giấy. Rene Ernest, đại diện cho vợ chồng Laukamp cho biết, ông không quan tâm đến cổ vật, cũng không thu thập chúng, và sống ở phía Tây Berlin năm 1963. Do đó, ông không thể vượt qua Bức tường Berlin để vào Potsdam.
Axel Herzprung, đối tác kinh doanh của Laukamp, cũng nói rằng ông không bao giờ hứng thú với cổ vật, cũng như chưa từng sở hữu tấm giấy cói nào. Laukamp không có con, hoặc người thân còn sống, để xác minh những lời này.
Chữ ký của Laukamp trên hợp đồng mua bán. Ảnh: Live Science |
Trong vài tháng qua, những tài liệu mới được tìm thấy không chỉ tái hiện chi tiết hơn cuộc đời của Laukamp, mà còn cung cấp hướng đi mới, trong cuộc điều tra về câu chuyện của người chủ sở hữu giấu danh tính mới.
Theo King, người chủ vô danh cung cấp cho bà bản sao hợp đồng 6 mảnh giấy cói viết bằng chữ Coptic, một trong số đó là tấm giấy cói của Laukamp. Hợp đồng thực hiện vào ngày 12/11/1999, có chữ ký cả hai bên. Bên cạnh đó, người chủ vô danh cũng đưa ra một bản ghi chú viết tay bằng tiếng Đức, xác nhận tấm giấy cói được mua lại năm 1963, bởi Laukamp ở Potsdam.
Phóng viên của Live Science tìm thấy 7 chữ ký của Laukamp trong thời gian từ năm 1997-2001, trong 5 văn bản có công chứng, bằng cách dò lại cơ sở dữ liệu trực tuyến công cộng ở Florida. Các chuyên gia Havard đang hợp tác với chuyên gia phân tích chữ viết để xác minh chữ ký.
Thật hay giả
Chữ được viết trên tấm giấy cói. Ảnh: Live Science |
Ngôn ngữ trên tấm giấy "Phúc âm về Vợ Chúa Jesus" cũng được xem xét. Nhiều học giả cho rằng, nó rất giống với "Phúc âm về Thomas" - thậm chí đầy lỗi chính tả giống trong ấn bản về Thomas công bố trực tuyến năm 2002. Từ đó, họ nghi ngờ phúc âm về vợ Chúa Jesus bị làm giả.
Tuy nhiên, giáo sư King bác bỏ luận điểm này, cho rằng những người làm công việc ghi chép thời cổ đại thường mắc phải lỗi chính tả và ngữ pháp giống ngày nay.
Theo Live Science, Christian Askeland, một nhà nghiên cứu người Đức, năm ngoái chỉ ra rằng "Phúc âm về Vợ Chúa Jesus" là giả. Ông kiểm tra một tấm giấy cói Coptic viết phúc âm về thánh John - thuộc sở hữu của người chủ giấu danh tính trao lại cho đại học Havard. Tấm giấy này cũng được mua từ Laukamp. Kiểm tra đồng vị cacbon cho thấy, nó có niên đại khoảng 1.200 năm trước.
Askeland phát hiện, chữ viết và cách dòng trên đó, giống hệ với một đoạn giấy cói khác được công bố trong một quyển sách năm 1924. Đoạn này viết bằng một phương ngữ Coptic cổ, gọi là Lycopolitan, biến mất khoảng 1.500 năm trước. Từ đó, ông kết luận, phúc âm về thánh John là giả. Ngoài ra, đoạn phúc âm về thánh John có nhiều điểm giống với phúc âm về vợ Chúa Jesus, cho thấy cả hai đều là giả.
"Hai mảnh giấy Coptic rõ ràng được viết cùng một thứ mực, cùng một nét chữ. Người chép đã viết cả hai văn bản cùng lúc," Askeland viết trong báo cáo công bố trên tạp chí New Testament Studies.
Giáo sư King phản bác luận điểm này, lưu ý rằng, mảnh giấy cói viết về thánh John rất có thể được sao chép trong thời cổ đại, rất lâu sau khi ngôn ngữ Lycopolitan biến mất.
James Yardley, một nhà khoa học ở đại học Columbia cho biết, nghiên cứu mới cho thấy đoạn "Phúc âm về Vợ Chúa Jesus" được viết bởi một người khác, không phải người đã viết phúc âm về John.
Tìm thấy nơi có thể là nhà Chúa Jesus hồi nhỏ.
Các nhà khoa học ở đại học Columbia đang nghiên cứu về loại mực viết trên tấm giấy. Trong một báo cáo năm 2014, họ cho biết, mực viết có thể được làm từ thời cổ đại. Nghiên cứu mới phân tích các sắc tố trên giấy cói. Khi so sánh với sắc tố trên những bản phúc âm cổ khác, có thể biết được tấm giấy là thật hay giả.
"Phân tích đầu tiên cho thấy mực viết trên hai văn bản khác nhau hoàn toàn. Những kết quả gần đây càng củng cố điều này," Yardley nói. Ông nói thêm, cho tới khi nghiên cứu mới được công bố, sẽ không đưa ra tuyên bố nào nữa. Họ sẽ giải đáp mọi thắc mắc, sau khi công bố nghiên cứu.
Hồng Hạnh