Vòng tay Wristify được sử dụng có hiệu quả trên thực tế. Ảnh: Mit.edu |
Chiếc vòng tay do nhóm sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts chế tạo được gọi là Wristify. Được lắp pin lithium polymer, vòng tay Wristify có thời gian hoạt động lên đến 8 giờ và có tốc độ thay đổi nhiệt độ cơ thể 0,4 độ C mỗi giây.
Vòng tay Wristify có thể theo dõi nhiệt độ không khí và da con người, sau đó bắn xung nhiệt vào cổ tay để để làm mát hoặc làm ấm người sử dụng tùy theo nhu cầu. Chiếc vòng tay có kết cấu nguyên mẫu là một tấm tản nhiệt bằng đồng kèm theo một hệ thống điều khiển tự động quản lý cường độ và thời gian sử dụng xung nhiệt. Một nhiệt kế cũng được tích hợp để đo nhiệt độ môi trường và nhiệt độ cơ thể nhằm điều chỉnh phù hợp.
Với mong muốn tiết kiệm năng lượng điều chỉnh nhiệt độ trong những tòa nhà cao tầng hiện nay, ý tưởng được đưa ra là kiểm soát nhiệt độ cơ thể hiệu quả ở từng cá nhân mỗi người. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng nếu vòng tay Wristify được sử dụng trong một tòa nhà điều chỉnh chênh lệch nhiệt độ 1 độ C so với môi trường thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được khoảng 100 kWh điện.
"Vòng tay chúng tôi phát triển có thể thúc đẩy sự nhạy cảm của con người và duy trì nhiệt độ khiến cơ thể thoải mái trong khi đó ta lại giảm được nhu cầu sử dụng năng lượng", MIT News dẫn lời Sam Shames, một sinh viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm sinh viên nhận thấy da con người rất nhạy cảm, những thay đổi nhanh chóng về nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Sau 15 lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cho ra sản phẩm cuối cùng có thiết kế là một đồng hồ đeo tay có khả năng điều chỉnh nhiệt độ.
Phát minh đã giúp nhóm sinh viên giành được giải thưởng trị giá 10.000 USD từ cuộc thi thiết kế vật liệu từ Học viện Công nghệ Massachusetts.Với khoản tiền thưởng này, nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiếp tục các mẫu thử nghiệm, sử dụng thuật toán tiên tiến để tự động hóa tốt hơn các xung nhiệt trước khi đưa và sử dụng trong thực tế.
Đức Huy