Vận động rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Thùy Vinh |
Theo các chuyên gia dịch tễ học, ung thư đại trực tràng phổ biến nhất tại các nước có nền kinh tế phát triển cao như Mỹ, Canada, Tây Âu. Tại các nước này, số bệnh nhân chết vì ung thư đại trực tràng chiếm vị trí thứ hai trong các bệnh ung thư, hơn 1/2 bệnh nhân. Các nước có nền kinh tế phát triển khá như ở Đông Âu và các nước công nghiệp mới có tỷ lệ người mắc bệnh trung bình. Còn châu Phi và một phần Mỹ Latin có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, do du nhập kiểu ăn uống phương Tây nên Nhật Bản và Singapore có tỷ lệ mắc bệnh tăng gấp đôi so với trước đây. Đặc biệt, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Tại Việt Nam, hiện căn bệnh này xếp hàng thứ năm sau các bệnh ung thư phổi, dạ dày, gan và ngực. Theo ghi nhận của Bệnh viện K Hà Nội, tần suất mắc bệnh là 7,5/100.000 dân.
Hiện các nhà chuyên môn chưa chứng minh được nguyên nhân rõ ràng là yếu tố nào gây bệnh ung thư đại trực tràng. Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ gợi ý rằng: việc ăn nhiều chất béo có liên quan đến căn bệnh này, các yếu tố di truyền cũng rất quan trọng, người có bệnh viêm đường tiêu hóa, viêm loét đại tràng hay có tiền sử bị ung thư hoặc gia đình có người bị bất cứ bệnh ung thư nào và người ít vận động đều là người có nguy cơ cao, nhất là đối với người trên 50 tuổi.
Những triệu chứng của ung thư đại trực tràng là xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu vùng trực tràng, melena, thiếu máu, cảm thấy khó chịu, gầy yếu, khó thở, đau vùng ngực, đau vùng bụng, đi tiêu thường xuyên, phân lỏng...
Để giảm tỷ lệ mắc bệnh, có 6 khuyến cáo như sau: Giảm phần calo chất béo trong mỗi bữa ăn từ 40% xuống 25-30%. Nên có hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn hằng ngày. Hạn chế tiêu thụ thức ăn muối, lên men, xông khói (cá khô, xì dầu, thịt xông khói). Hạn chế tiêu thụ những nguyên hương liệu có thể gây ung thư như phẩm màu, dầu thơm... Tránh những chất gây đột biến gene trong thức ăn như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng. Không lạm dụng rượu, bia và các chất lên men rượu khác.
Mỹ Lan