1. Nhận biết các dấu hiệu bệnh
ung thư ruột có một vài dấu hiệu cảnh báo sớm và phát triển nhiều năm trước khi lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Đối với nhiều người, đi ngoài ra máu thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Nếu phát hiện dấu hiệu này hay có những triệu chứng khác thường trong thói quen vệ sinh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ Rosemary Lester tại Victoria’s Chief Health còn cho biết: “Những dấu hiệu khác bao gồm tiêu chảy hoặc táo bón, chướng bụng và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi”.
2. Chú ý tiền sử mắc bệnh của các thành viên trong gia đình
Cần có những hiểu biết về bệnh sử của gia đình bạn. Đối với một số người, ung thư ruột có thể di truyền trong gia đình bởi những tổn thương trong gene truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu một người họ hàng gần đã mắc bệnh này, đặc biệt nếu họ trẻ hơn 50 tuổi khi được chẩn đoán bệnh, bạn cần trao đổi với bác sĩ của mình.
3. Thường xuyên kiểm tra sàng lọc ung thư ruột
Việc kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện polyp và ung thư ở giai đoạn đầu, tạo điều kiện cho việc chữa trị sau này. Phó giáo sư Graham Newstead từ Bowel Cancer Australia khuyến khích mọi người tham gia xét nghiệm FOBT (faecal occult blood test – xét nghiệm máu ẩn trong phân) bởi việc này rất đơn giản, không đau đớn, đồng thời tỷ lệ sống sót khoảng 90% đối với những người được chữa trị sớm.
4. Giảm lượng cholesterol trong cơ thể
Thuốc statins nhằm giảm cholesterol thường được những bệnh nhân tim mạch sử dụng. Tuy nhiên, hiện thuốc này được cho là làm giảm nguy cơ ung thư ruột khoảng 82% trong 5 năm. Đây chính là kết luận của nhóm bác sĩ tại Bệnh viện đại học Norwich, những người chứng minh mối liên hệ giữa hàm lượng cholesterol cao và ung thư ruột. Mặc dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa nhưng việc giảm cholesterol vẫn tốt cho sức khỏe ở nhiều phương diện khác nhau.
Chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ ung thư ruột. Ảnh: db2.stb.s-msn |
5. Bổ sung nhiều chất xơ
Các nhà nghiên cứu đã so sánh số liệu từ 2 triệu người và nhận thấy việc tăng cường hấp thụ chất xơ khoảng 10 g một ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư ruột khoảng 10%. Dường như chất xơ từ ngũ cốc cung cấp sự bảo vệ nhiều hơn từ trái cây và rau củ, vì vậy nên ăn nhiều bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức. Theo các bác sĩ, chất xơ giảm thời gian những chất thải tồn tại trong ruột và kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
6. Ăn đậu hạt và trái cây khô
Một nghiên cứu cho thấy việc ăn đậu hạt các loại như đậu lăng và đậu đỏ 3 lần một tuần giảm thiểu sự hình thành polyp trong ruột tới 30%. Theo tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Yessenia Tantamango, đậu hạt, trái cây khô và gạo lức chứa hàm lượng chất xơ cao, được biết đến với tác dụng làm giảm các tác nhân gây ung thư, do đó chúng trở thành những “vũ khí” lợi hại trong việc chống ung thư ruột.
7. Chú ý tới chế độ ăn uống, giảm béo
Béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột, đặc biệt đối với nam giới. Tuân theo một chế độ ăn uống hợp lý có thể ngăn ngừa tới 1/3 khả năng ung thư ruột. Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc hạn chế sử dụng rượu, caffeine và thịt đỏ. Cần giảm hấp thụ thịt đỏ và những loại thịt đã chế biến sẵn như xúc xích, thịt muối xông khói, giăm bông bởi chúng có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ ung thư ruột.
Thu Hiền (theo Body and Soul)