Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều điều đáng để sợ hãi. Bản năng sinh tồn luôn nằm trong tiềm thức và tạo ra những nỗi sợ không được định hình. Nó giúp chúng ta tồn tại, giúp chúng ta nhận thức được hiểm nguy nhưng nếu không điều khiển được nỗi sợ hãi của mình, chúng ta không thể trưởng thành và mạnh mẽ.
Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm. Có một sự thật là những căng thẳng, lo âu và hoảng loạn mà nỗi lo sợ gây nên cho bạn thậm chí còn lớn hơn chính những nguyên nhân thực tế khiến bạn thấy lo sợ. Chúng là những kẻ "đeo bám" dai dẳng, ngấm ngầm ăn mòn sự dũng cảm và che đậy đi tài năng trong bạn. Hãy đối diện với chính nỗi sợ của mình và áp dụng những cách dưới đây, chúng sẽ giúp bạn có thêm động lực để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân và giúp bạn chạm tay tới ước mơ.
1. Hít thở sâu giúp hệ thống thần kinh giữ bình tĩnh
Hít thở là một giải pháp hữu hiệu nếu bạn đang căng thẳng. Nhưng điều thú vị là lý do vì sao hít thở lại hữu ích như vậy? Theo giải thích của nhà nghiên cứu Margarita Tartakovsky: "Thở sâu bằng cơ hoành là một kỹ thuật vô cùng hữu ích giúp làm giảm nỗi lo âu bởi vì nó kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể".
Cụ thể, nó giúp cơ thể chuyển từ các phản ứng "chống hoặc bỏ chạy" (fight or flight response - phản ứng sinh học trước tình trạng căng thẳng cấp tính) của hệ thống thần kinh giao cảm sang các phản ứng thư giãn của hệ thần kinh đối giao cảm".
2. Dù nỗi sợ hãi có lớn thế nào, thì nó cũng sẽ phải chấm dứt
Không có nỗi sợ hãi nào là "mãi mãi" hay "cả đời" cho dù nó có khủng khiếp và dai dẳng đến thế nào. Bạn phải tin vì đấy là sự thât: mọi nỗi sợ đều sẽ phải chấm dứt. Nghĩa là đừng bao giờ từ bỏ hy vọng chống chọi lại nó chỉ vì nghĩ rằng nó sẽ đi theo bạn cả đời. Chỉ có bạn mới có quyền cho phép nỗi sợ hãi đi theo hay dừng lại.
Hãy tự nhắc nhở bản thân mình đang muốn làm gì, và muốn từ bỏ điều gì. Tại sao? Bởi vì bạn đang phải "giao tiếp" với nỗi hoang mang ấy, vì bạn vẫn có thể có được một số thứ từ những vấn đề hoang mang ấy, đồng thời vượt qua chúng. Điều bạn cần làm là nhận ra giới hạn của những nỗi lo âu, và tiếp tục bước đi. Bởi chỉ khi bạn chấp nhận sự tồn tại của nỗi sợ, thì bạn mới cảm thấy nó to lớn, bao trùm bạn (nhưng sự thật thì không, chúng chỉ tạo cho bạn cảm giác như thế). Vậy hãy xem giới hạn của chúng là bao nhiêu, và tận dụng năng lực của cơ thể bạn để có thể vượt qua.
3. Bạn càng hiểu biết nhiều, bạn càng ít lo sợ.
Chỉ khi bạn thiếu hiểu biết và bị giới hạn thông tin, sự hoài nghi sẽ thống trị bạn, bạn trở nên căng thẳng và bất an về hệ quả của những hành động mà bạn thực hiện bởi bạn không chắc chúng sẽ dẫn đến đâu. Sự thiếu hiểu biết cũng khiến bạn sợ thay đổi, sợ những điều mình chưa biết, và sợ phải thử những điều mới hoặc khác biệt.
Ngược lại, việc thu thập nhiều thông tin hơn và tốt hơn về một chủ đề cụ thể giúp nâng cao sự dũng cảm và tự tin của bạn trong lĩnh vực đó. Bạn có thể thấy điều này tại những thời điểm trong cuộc sống khi mà bạn không có bất cứ nỗi sợ nào vì bạn biết bạn đang làm điều gì. Bạn cảm thấy mình có đủ trình độ, khả năng và hoàn toàn có thể xử lý với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống.
4. Hãy phân tích nỗi sợ của bạn và xác định những lo lắng đó là gì
Hãy tập đối thoại với chính bạn, thô lỗ hay nhẹ nhàng đều được, miễn là kiểu bạn thấy thoải mái nhất và miễn là bạn thể hiện được rằng bạn có khả năng giao tiếp thay vì nhượng bộ nỗi sợ. Sự thật là bạn càng nói nhiều với chúng, bạn càng thấy chúng sáo rỗng. Một khi bạn đã xác định được những yếu tố chính khiến cho bạn e dè, lo sợ, bước tiếp theo chính là xác định và phân tích những nỗi lo lắng, sợ hãi cá nhân một cách khách quan.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Một người dũng cảm không phải một người không hề biết sợ. Như Mark Twain đã nói, "Lòng dũng cảm là sự chống lại nỗi sợ hãi, là sự làm chủ nỗi sợ đó – không phải sự vắng mặt của nỗi sợ."
5. Đối diện với nỗi sợ.
Bạn đã sẵn sàng cho chuyện này, bạn đã nhìn thấy cái rễ của cây gai đọc, việc cần làm bây giờ chỉ là bạn có đủ dũng khí cho bản thân một cơ hội chiến đấu hay không mà thôi. Nghĩ cho cùng, bạn có gì để mất đâu. Hãy chọn lấy một cách bạn giỏi nhất, nhìn thẳng vào nỗi sợ, vào sự thiếu xót, sự chưa hoàn thiện và sai lầm của bản thân. Bạn chọn chịu đau một lần để sửa sai bây giờ hay sống cả đời với sự thấp thỏm (do chính bạn tạo ra)?
6. Hình thành thói quen của lòng dũng cảm.
Thật may mắn thay, thói quen của lòng dũng cảm có thể học được, cũng như mọi thói quen khác, thông qua sự lặp đi lặp lại. Chính vì vậy việc để cho bản thân mình chấp nhận càng nhiều thử thách và vượt qua càng nhiều nỗi sợ là cách bạn xây dựng thói quen này. "Dũng cảm đi kèm với sợ hãi, nếu không nó đã không được gọi là dũng cảm".
7. Tập thể dục để giúp bản thân chống lại ảnh hưởng của căng thẳng
Tập thể dục giúp mọi người cảm thấy khỏe mạnh hơn. Theo nhóm nghiên cứu The Mayo Clinic, các bài tập thể dục giúp giảm sự lo lắng trong ba cách chính:
• Tập thể dục giúp não giải phóng các chất như endorphin giúp ích cho việc xoa dịu chứng trầm cảm.
• Tập thể dục giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
• Tập thể dục làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp chúng ta giữ được bình tĩnh.
8. Nhận ra rằng thất bại không phải là sự kết thúc của thế giới
Nhà tâm lý học xã hội Susan K. Perry đề xuất rằng, hãy luôn nghĩ như bạn đang trong một cuộc chơi. Nếu có điều gì không ổn xảy ra, bạn có thể thử lại một lần nữa, hoặc thử nó theo một cách khác.
Và khi bạn so sánh một điều gì đó trong cuộc sống hàng ngày của bạn với những quyết định trọng đại, điều này giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về những gì thực sự quan trọng đối với bạn và việc bạn thất bại trong một nhiệm vụ không hề quan trọng cũng chẳng phải là điều gì quá đáng sợ hay phải lo nghĩ nhiều. Và đây thực sự là bí kíp giúp bạn đừng quá quan trọng hóa mọi vấn đề trong cuộc sống.