1. Mống mắt
Mống mắt bao bọc đồng tử.
Mắt là cửa sổ tâm hồn và cũng là đặc điểm nhận dạng của mỗi người. Trong đó, mống mắt (iris) là một cơ dùng để đóng mở đồng tử nhằm kiểm soát lượng ánh sáng chiếu vào mắt. Mống mắt còn được gọi là “tròng đen của mắt”, là phần làm cho mắt có màu nâu hay màu xanh tùy theo chủng tộc.
Mống mắt có những hoa văn rất nhỏ. ADN sẽ quyết định màu sắc và cấu trúc của mống mắt, nhưng chính những đường hoa văn ngẫu nhiên phát sinh trong quá trình bào thai mới khiến mống mắt trở thành duy nhất. Thậm chí 2 mống mắt của bạn cũng không giống nhau. Các chuyên gia cho rằng những hoa văn này hình thành khi bào thai đóng và mở mắt, khiến cho các mô của mống mắt thít chặt và gấp lại.
2. Tai
Viền tai của mỗi người lồi lõm và nhấp nhô không ai giống ai. Trong một nghiên cứu ở Anh, các nhà khoa học đã phát triển một thuật toán có thể nhận dạng ra chính xác một người giữa hơn 250 người khác. Xác suất chính xác là 99,6%, dựa trên phân tích ánh sáng phản chiếu đường gồ ghề của viền tai.
Tai thực sự là một đặc điểm nhận dạng tiện lợi đến mức Yahoo đã phát triển một công nghệ có thể mở khóa smartphone bằng cách quét tai (scan). Giả sử ai đó gọi điện cho bạn, bạn có thể mở khóa bằng cách ấn tai vào điện thoại và nghe luôn.
3. Vân môi
Xem phim hay đọc tiểu thuyết, bạn có thể thấy cảnh các thám tử tìm ra bằng chứng chỉ bằng dấu vân môi. Một nghiên cứu đăng trên tờ Journal of Forensic Dental Sciences cho thấy các đường rãnh trồi sụt lên xuống của môi là duy nhất ở mỗi người, giống như dấu vân tay vậy. Vì dấu môi dễ trở thành một bằng chứng trước tòa nên tội phạm không dại gì mà hôn hít nạn nhân trước khi ra tay.
4. Lưỡi
Giống như dấu vân tay, lưỡi cũng có hình dáng và cấu trúc độc nhất với những u hột và đường viền lưỡi khác nhau. Những đặc điểm của lưỡi ít khi thay đổi theo thời gian vì lưỡi được bảo vệ trong khoang miệng (không giống vân tay có thể bị sẹo). Các nhà khoa học đang phát triển một công nghệ 3D để giúp việc nhận dạng lưỡi dễ dàng hơn.
5. Giọng nói
Đây có thể không phải là một bộ phận cơ thể, nhưng giọng nói của bạn quả thật không giống bất kì ai. Một số đặc điểm của giọng nói khá dễ dàng để dò tìm, chẳng hạn tông giọng cao thấp, lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, những đặc điểm khác như độ cộng hưởng, giọng mũi... thì khó phân biệt hơn.
Giọng nói phụ thuộc một phần vào gene và phần khác do tiếp xúc. Chiều dài của cổ và độ rộng của yết hầu cũng đóng một phần vai trò, bên cạnh đó là độ cong của môi và cách phát âm cũng tác động đến giọng nói.
Tổng hợp tất cả các đặc điểm này, các nhà khoa học đã phát triển những hệ thống tự động nhận dạng giọng nói qua điện thoại, máy ghi âm...
6. Dấu vân chân
Dấu vân chân cũng hình thành trong bào thai đồng thời với dấu vân tay. Vì tội phạm thường để sót lại dấu tay, nên FBI đã lưu giữ một hệ thống quốc gia dấu vân tay của 66 triệu người, nhưng dấu chân hay vân chân thì vẫn chưa được lưu trữ.
Dấu vân chân từng được trình lên tòa án trong vụ một kẻ trộm đột nhập vào một tiệm bánh ở Scotland và để lại dấu chân trên sàn nhà đầy bột. Dù đây là bằng chứng duy nhất chống lại tên tội phạm, nhưng tòa án đã dễ dàng kết tội hắn chỉ trong vòng 15 phút.
7. Răng
Răng không chỉ tiết lộ ADN mà còn phản ánh thói quen của bạn. Có thể bạn hay nghiến răng, chơi một nhạc cụ nào đó hay có thói quen ngậm đồ vật trong miệng. Vì răng có tính chất dễ mài mòn và mẻ, nên thậm chí răng của những cặp song sinh cũng khác nhau.
8. Võng mạc
Võng mạc là lớp màng thần kinh cực mỏng ở đáy mắt. Nó giống như là ảnh chụp chính xác của hệ thần kinh. Các chuyên gia hay dùng võng mạc để phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường, huyết áp cao hay suy giảm chức năng não.
Dù võng mạc của con người chỉ có thể quan sát được trong phòng khám mắt, nhưng việc nhận dạng võng mạc đã được sử dụng rộng rãi trong thế giới động vật. Trong các phiên chợ mua bán gia súc hoặc ngựa thuần chủng, người ta thường quan sát võng mạc để biết chúng có bệnh tật hay không.
9. Dáng đi
Bạn có vừa đi vừa nhún hay kéo lê chân trên sàn nhà, đi thẳng thóm hay xiêu vẹo...? Bạn có thể không chú ý lắm tới dáng đi của mình, nhưng các nhà khoa học có thể phát hiện chính xác tới 99,6% một người chỉ thông qua dáng đi. Dù các nghiên cứu sâu hơn vẫn cần được tiến hành, nhưng trong tương lai gần, người ta sẽ căn cứ vào dáng đi để nhận dạng tội phạm từ xa. Chẳng hạn dùng camera để nhận biết một tên cướp đang bước ra khỏi ngân hàng.