Lê Yên Thanh (Ảnh: internet)
Lê Yên Thanh (1994) chàng sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã sở hữu hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Tháng 6/2017, Yên Thanh đã trở thành thực tập sinh của Google ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia TP HCM), khoa Công nghệ Thông tin.
Lê Yên Thanh cho biết lý do quyết định chọn Google làm môi trường làm việc của mình: "Trước đó mình cũng có nộp đơn tại một số công ty khác, tuy nhiên mình nhận thấy Google là nơi đào tạo tốt, đặc biệt đây còn là 'ông trùm' trong lĩnh vực bảo mật thông tin. Thêm vào đó, khi được tham gia vào dự án Intern, mình sẽ được làm việc ngay tại trụ sở chính của Google, điều mà rất nhiều người ao ước".
Tháng 6/2016 cho đến tháng 10/2016, anh được nhận làm thực tập sinh ở Google nhận mức lương 6.000 USD/tháng (139 triệu đồng). Sau khi kết thúc thực tập, mặc dù đã nhận được lời đề nghị hợp tác lâu dài, chàng trai An Giang quyết định dừng công việc tại Google, trở về Việt Nam với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp riêng.
Ảnh internet
Từ bỏ một cơ hội công việc và môi trường tốt từ Google để trở về Việt Nam, Yên Thanh chia sẻ:
"Nếu ai đó hỏi mình có hối tiếc khi rời bỏ Google không thì chắc chắn là không bởi thực sự môi trường khởi nghiệp đã giúp mình học hỏi thêm nhiều thứ. Một lý do nữa là mình thích dấn thân vào các dự án khởi nghiệp hơn là làm việc tại các tập đoàn lớn. Mình nghĩ rằng những tập đoàn này sẽ chỉ thích hợp cho mình trong 10 hay 20 năm nữa khi cần một công việc ổn định, không mạo hiểm.
Quay trở về Việt Nam là đúng hay sai thì mình vẫn chưa nói được, điều đó phụ thuộc vào việc mình có thành công hay không, nhưng dù kết quả có thế nào mình cũng rất vui vì có thể đóng góp được một chút 'lửa start-up' cho những người trẻ. Nếu có thất bại mình vẫn có thể chia sẻ những bài học quý báu cho những bạn trẻ có ý định theo đuổi con đường khởi nghiệp giống mình".
Được biết, Yên Thanh cùng với hai người bạn là tác giả của Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ blockchain (VEC) - một trong 4 công trình xuất sắc được trao giải thưởng 100 triệu đồng trong chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018, do Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Lê Yên Thanh cùng nhóm bạn được trao giải thưởng trong chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" (Ảnh internet)
Chia sẻ về dự án VEC, Yên Thanh cho biết: "Vào đầu tháng 3 năm nay, nhóm chúng tôi đã bắt tay triển khai phần mềm này, trước khi xảy ra vụ việc gian lận trong thi cử ở Hà Giang, bởi chính mình cũng như các thành viên của nhóm nhận thấy việc tạo ra một kỳ thi nghiêm túc là thực sự cần thiết".
VEC (Verify your Education Credentials on Blockchain) là một hệ thống cung cấp nền tảng thi cử và làm kiểm tra dựa trên công nghệ Blockchain. Mục tiêu của VEC là tạo ra một ứng dụng giúp tổ chức và lưu trữ dữ liệu thi cử một cách có hệ thống, qua đó góp phần tối ưu hóa về vấn đề bảo mật và an ninh mạng cho những dữ liệu quan trọng trong thi cử. Khi thí sinh đã bấm nút nộp bài, sẽ không một tổ chức, cá nhân nào có thể tấn công, tác động vào hệ thống, kể cả quản trị viên hay người tạo nên hệ thống VEC.
Ngoài tính bảo mật thông tin cao, VEC còn giúp người dùng nhanh chóng chấm điểm, xếp hạng thi sinh theo điểm số cũng như lưu trữ thông tin, tạo hồ sơ cá nhân trong hệ thống dữ liệu. Điều này sẽ giúp các thí sinh nhanh chóng dùng thông tin để xin học bổng, xin việc một cách đơn giản.
"Hiện tại ứng dụng này vẫn đang trong phòng Lap và có thể được tiến hành thử nghiệm trong các kỳ thi dành cho khoảng 10.000 người trở xuống. Còn những kỳ thi có quy mô lớn như thi THPT Quốc gia thì vẫn chưa sử dụng được. Nhóm cũng đang nghiên cứu để tăng giới hạn người sử dụng lên. Dự kiến khoảng cuối năm sau sẽ đáp ứng được những kỳ thi khoảng 1 triệu thí sinh tham gia" – Yên Thanh cho biết.
Ngoài hệ thống VEC, công ty của 9x cũng đang nghiên cứu và mở rộng thêm các lĩnh vực về tài chính, kinh tế... ứng dụng công nghệ blockchain.
Trước khi bắt tay thực hiện VEC, Lê Yên Thanh cũng sở hữu cho mình một số dự án khởi nghiệp nổi bật và tạo hiệu ứng như: Phát triển app điện thoại di động Umbala (Úm ba la) - ứng dụng di động này giúp người dùng quay clip hát karaoke, hát nhép vui, hài hước; Ứng dụng Busmap nhằm mục đích dò các tuyến xe buýt gần nhất, dễ dàng trong việc đi lại, di chuyển của người dùng tại TP HCM. Hiện tại Busmap có hơn 1 triệu người tải và sử dụng.