Bữa ăn của người bị COPD nên ít cơm, nhiều thịt cá. |
Khoảng 50-75% bệnh nhân COPD bị suy dinh dưỡng. Tình trạng dinh dưỡng kém làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở nhiều hơn, dễ bị nhiễm trùng, nhất là viêm phổi; từ đó làm tăng nguy cơ nhập viện vì những đợt bệnh cấp.
Quá trình chuyển hóa thức ăn ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân COPD vì nó tiêu thụ ôxy, tạo ra năng lượng và khí CO2 (thải ra ngoài qua cơ thể khi thở ra). Sự chuyển hóa chất bột đường tạo ra lượng CO2 cao hơn so với chất béo và đạm; khiến cơ thể cần thở nhanh và sâu hơn để thải CO2, dẫn đến hiện tượng nhanh mệt cơ hô hấp, làm tăng tình trạng suy hô hấp ở đợt cấp, nhưng không ảnh hưởng trên bệnh nhân đã ổn định.
Sự chuyển hóa chất béo, mỡ và đạm tạo ra ít CO2 ít hơn nên ít ảnh hưởng đến sự hô hấp. Nhưng chất mỡ béo dễ gây đầy bụng, khó tiêu, ăn uống kém, tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu - là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch khác. Vì những lý do trên, người bị COPD nên ăn nhiều chất đạm, chất béo; ăn ít chất đường bột.
Bệnh nhân COPD thường hít thở nhanh và sâu nên mất nhiều nước hơn qua đường hô hấp. Vì vậy, cần uống nhiều hơn người bình thường để bù lại lượng nước mất qua đường hô hấp và làm loãng đàm, giúp khạc đàm tốt hơn. Mỗi ngày, bệnh nhân nên uống 1.500-2.000 ml nước.
Bệnh nhân COPD thường ăn uống kém, ít thấy ngon miệng, mau mệt khi ăn vì:
Bệnh nhân vốn khó thở thường xuyên, lồng ngực căng phồng nhưng cơ hô hấp hoạt động kém. Để thực hiện động tác nuốt khi ăn, người bệnh phải ngưng thở nên ôxy máu giảm làm khó thở tăng lên khi ăn.
Khi ăn no, cơ hoành (là cơ hô hấp quan trọng, ngăn cách ngực với bụng) bị dẹt, làm giảm thể tích ổ bụng, gây mệt mỏi.
Do khó thở, người bệnh phải hạn chế vận động, đi lại, tập luyện thể dục nên không có cảm giác thèm ăn, đói bụng.
Hút thuốc lá là một nguyên nhân quan trọng làm người bệnh ăn không ngon miệng, chán ăn.
Do sử dụng nhiều thuốc hoặc có bệnh lý đi kèm, bệnh nhân COPD thường có loét dạ dày do stress, gây đầy bụng ợ hơi…
Vì luôn mệt mỏi, khó thở nên người bệnh không muốn giao tiếp, thay đổi tính tình, có thể dẫn đến trầm cảm và chán ăn.
Người bệnh cần năng lượng cho hoạt động hô hấp cao hơn 10 lần so với người bình thường, nên dù ăn nhiều cũng rất khó tăng trọng lượng.
Mẹo nhỏ về ăn uống cho bệnh nhân COPD
Tránh ăn no bằng cách chia ra nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày (4-6 bữa). Chọn thức ăn có nhiều năng lượng so với thể tích. Ngay cả bữa ăn nhẹ cũng nên chọn thức ăn giàu năng lượng như trứng, sữa, yaourt…Các loại rau, củ có thể xắt nhuyễn, nấu mềm và nhớ uống luôn nước rau để có kali (bệnh nhân COPD hay thiếu chất này). Vào bữa tối, dùng thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa.
Trang trí bàn ăn, nhà cửa, có thể mở nhạc trong bữa ăn. Hạn chế cà phê, trà. Tuyệt đối không uống rượu. Tránh dùng các đồ ăn thức uống có gas như nước ngọt, bia... Cẩn thận với một số thức ăn dễ gây đầy bụng, sinh hơi như món chiên xào nhiều dầu mỡ, táo, bơ, dưa (hấu, lê), khoai, các loại đậu, ngũ cốc, các loại cải bắp, dưa chuột, tỏi, hành, tiêu, ớt…
Trước khi ăn, lên kế hoạch những món mình thích, chọn thức ăn nấu chín, dễ tiêu, được chế biến và trình bày hấp dẫn để kích thích sự thèm ăn. Bố trí bữa ăn lúc bệnh nhân thấy khỏe, tạo không khí thoải mái và vui vẻ để giúp ăn ngon miệng. Làm sạch, thông thoáng đường thở ít nhất 1 giờ trước khi ăn bằng cách vỗ lưng, ho, khạc đàm hoặc dùng thuốc giãn phế quản. Hạn chế nhai chewing gum hoặc ngậm kẹo. Đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ có thể kích thích cảm giác đói, thèm ăn.
Trong khi ăn, có thể thở ôxy, sử dụng ống hút khi uống nước để tránh nuốt hơi vào bụng. Ngồi thẳng người trong tư thế thoải mái để giúp phổi và dạ dày làm việc dễ dàng. Hạn chế ăn nhiều muối để tránh gây giữ nước, tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim phổi. Ăn chậm, từng miếng nhỏ, nhai kỹ, tránh ăn vội. Uống nước sau khi ăn, tránh uống nước trong hoặc trước khi ăn.
Nghỉ ngơi, hạn chế vận động ngay sau khi ăn.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)