Nằm điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), trên phần chân đã bị cắt bỏ của ông Phạm Văn Đăng 70 tuổi, còn hằn lên các đường khâu giống như các đường nối của một chiếc túi da.
"Ngày càng nhiều bệnh nhân, có những người còn khá trẻ mắc bệnh tiểu đường phải nhập viện điều trị. Có ngày khoa tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân mới", bác sĩ Trần Quang Khánh, trưởng khoa nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết.
Những tổn thương bàn chân do đái tháo đường gia tăng đáng báo động ở Việt Nam hiện nay. Bệnh thường bắt đầu với một vết xước nhỏ, sau đó phát triển thành một vết loét nặng, gây hoại tử, dẫn đến những biến chứng như biến dạng bàn chân, loét bàn chân, chai chân, nhiều trường hợp nghiêm trọng phải cắt cụt chân.
Một bệnh nhân tiểu đường 48 tuổi tại Việt Nam đã bị cưa chân. Ảnh: nytimes |
Hiện vẫn chưa có một con số thống kê chính xác số lượng phẫu thuật cắt bỏ có liên quan đến bệnh tiểu đường ở Việt Nam. Theo giáo sư Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, biến chứng bàn chân là vấn đề nghiêm trọng và đang gây ra những căng thẳng cho hệ thống y tế.
"Vấn đề bàn chân bệnh nhân tiểu đường tồn tại ở phương Tây, nhưng tỷ lệ này lại cao hơn ở Việt Nam và các nước nhiệt đới khác bởi vì mọi người có xu hướng chỉ mang dép khi đi ra ngoài và đi chân đất xung quanh nhà, khiến bàn chân dễ bị tổn thương", giáo sư Khuê cho biết.
Bệnh nhân tiểu đường đang tăng cao ở nhiều quốc gia. Thống kê chính thức tại Việt Nam cho thấy có một sự gia tăng chóng mặt trong bệnh tiểu đường type 2 - bệnh liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và lối sống phương Tây, đặc biệt là ở những người béo phì.
Cuộc điều tra toàn quốc đầu tiên về bệnh tiểu đường thực hiện tại Việt Nam vào năm 1991 cho thấy chỉ có 1% dân số mắc bệnh. Đến năm 2012, tỷ lệ này là gần 6%, tốc độ gia tăng cực kỳ nhanh so với trung bình của thế giới. Tại TP HCM, một cuộc khảo sát trong năm 2010 ước tính rằng có 1 trong 10 người trưởng thành có bệnh.
Những lý do xác đáng cho bệnh tiểu đường ở việt nam vẫn chưa được chỉ rõ, nhưng theo các bác sĩ, thủ phạm chính là do quá trình "Tây phương hóa và đô thị hóa". "Bây giờ chúng tôi có KFC và hàng loạt nhà hàng thức ăn nhanh", bác sĩ Khánh cho biết.
Theo Giáo sư Khuê tiểu đường được xem là bệnh của người giàu có. Tuy nhiên, khi mà phần lớn mọi người đã chuyển từ đồng lúa vào các nhà máy, văn phòng thì bệnh nhân tiểu đường ngày nay thuộc tất cả mọi tầng lớp xã hội. "Đây không còn là bệnh của người giàu nữa, bây giờ tất cả mọi người, cả giàu và nghèo đều có thể mắc bệnh", giáo sư Khuê nhấn mạnh.
Jesper Hoiland, Phó chủ tịch cao cấp của Novo Nordisk, nhà sản xuất lớn trên thế giới các loại thuốc điều trị căn bệnh này cho biết, số lượng người bị bệnh tiểu đường ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng cao hơn khi nền kinh tế của đất nước tiếp tục phát triển, nhiều người áp dụng lối sống đô thị hiện đại. "Căn bệnh có thể trở thành một đại dịch tại Việt Nam trong những năm tới", ông nói.
"Trên thế giới ngày nay, nhiều người đang chết vì ăn quá nhiều hơn là vì bị đói", ông Hoiland cho biết.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, khoảng 371 triệu người đã bị ảnh hưởng với bệnh tiểu đường trên toàn thế giới năm ngoái. Cứ 5 bệnh nhân thì có 4 sống ở các nước nghèo hoặc thu nhập trung bình như Ai Cập, Guyana, Việt Nam. Nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là đảo Thái Bình Dương, với tỷ lệ bệnh tiểu đường gần 1/3 dân số, như là tại các hòn đảo nhỏ bé Nauru trong Micronesia. Ả Rập cũng có tỷ lệ rất cao, gần 1/4 dân số trưởng thành ở Saudi Arabia có bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường liên quan đến sự rối loạn trao đổi chất của cơ thể. Bệnh có thể được kiểm soát với chế độ ăn hợp lý, tập thể dục điều độ và dùng insulin để điều tiết lượng đường máu trong cơ thể. Những triệu chứng của bệnh thường bao gồm khát nước thường xuyên, rối loạn đi tiểu, sút cân nhanh chóng, mệt mỏi... Các triệu chứng thường diễn tiến chậm, nhiều người có bệnh trong nhiều năm mà không biết, đặc biệt là ở những nơi có hệ thống y tế chưa phát triển tốt.
Theo các chuyên gia, lý do cho sự chênh lệch về tỷ lệ bệnh tiểu đường giữa các quốc gia và giữa các dân tộc trong nước có liên quan đến yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và tập thể dục.
Các bác sĩ ở Việt Nam cho biết, sự tăng đột biến trong bệnh tiểu đường tại đây đã không được giải thích đầy đủ. "Bệnh nhân của chúng tôi rất ít người bị béo phì, thậm chí nhiều người rất gầy ốm", bác sĩ Khánh cho biết. Một cô gái 26 tuổi với thân hình mảnh khảnh tại TP HCM vừa bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Xuất thân từ tỉnh lẻ và hiện cô là trợ lý nha khoa tại TP HCM. "Đây thực sự là một cú sốc, tôi hiếm khi ăn ngọt", cô gái này cho biết.
Bác sĩ Khánh cho rằng, trường hợp này có thể rơi vào nguyên nhân mà các chuyên gia gọi là "hiệu ứng di cư". Cô gái này sống ở nông thôn từ nhỏ và khi về làm việc tại thành phố, cô hiếm khi đi bộ và hầu như không tập thể dục bao giờ.
Hans Duijf, người đứng đầu hoạt động cho Novo Nordisk ở Thái Lan cho biết một số bệnh nhân lớn lên ở nông thôn đã mắc bệnh tiểu đường sau khi di chuyển đến một môi trường đô thị với những thay đổi lối sống, khẩu phần ăn.
Lê Phương (Theo The NewYork Times)