Đợt này, cháu sốt và ho kéo dài, đã uống hết đợt kháng sinh và thuốc ho tan đờm nhưng vẫn còn nhiều đờm. Tôi định cho cháu đi hút đờm gần nhà, nhưng thấy bác sĩ làm cho các cháu nhỏ rất sợ, bé nào cũng khóc ngằn ngặt, tím tái, tôi lại không dám.
Tôi muốn hỏi, liệu có phải việc con tôi uống nhiều kháng sinh (mỗi lần con ốm tôi đều đưa đi khám và thuốc do bác sĩ kê) khiến khả năng đề kháng của cháu kém đi và cháu còi không (bé mới 9kg)? Có cách nào giúp bé nhanh hết đờm không? Cháu uống thuốc tan đờm thường ghê cổ và nôn ngay sau khi uống.
Làm thế nào để cháu mắc các bệnh về hô hấp, nhất là khi sắp bước vào mùa thu đông? Cảm ơn bác sĩ. (Thanh Thúy)
Ảnh minh họa: Livestrong.com. |
Trả lời:
Viêm đường hô hấp trên là bệnh thường gặp của trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ mắc cao vào những tháng chuyển mùa. Nguyên nhân viêm đường hô hấp thường do virus (70-80%). Vì thế không phải lần nào trẻ ốm cũng cần dùng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ gây nên tình trạng nhờn thuốc và gây loạn khuẩn đường tiêu hóa của trẻ. Ngoài ra nhiều loại kháng sinh có thể gây phản ứng dị ứng nguy hiểm như sốc phản vệ, mày đay, khó thở...
Để phòng tránh các bệnh đường hô hấp của trẻ em cần tăng cường hệ miễn dịch của trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất theo ô vuông thức ăn đã được khuyến cáo, vệ sinh môi trường sống thoáng mát không khói thuốc, vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý.
Sử dụng văcxin phòng cúm hoặc các chế phẩm tăng cường miễn dịch đường hô hấp trước mùa thu đông có thể giúp ích cho việc phòng tránh bệnh đường hô hấp. Trong trường hợp con bạn bị viêm đường hô hấp hằng tháng thì nên cho cháu đến bệnh viện nhi để tìm nguyên nhân và điều trị đúng hướng.
Bác sĩ Lê Minh Hương
Trưởng khoa dị ứng-miễn dịch-khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương