Ngày 16/4 bệnh nhi có biểu hiện sốt, ho, khó thở nhẹ nên đã vào bệnh viện huyện khám. Sau một ngày điều trị, tình trạng khó thở của trẻ tăng lên và được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Một ngày sau, bệnh nhi được chuyển tiếp lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương (Hà Nội), sau đó là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng phổi tổn thương rất nặng. Ảnh: T.C. |
Trước đó, anh rể của bệnh nhân bị cúm ở Hà Nội về quê thăm vợ con. Cùng với bé gái này, hai thành viên khác trong gia đình cũng bị lây cúm nhưng đã tự khỏi.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhi vào viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phải thở máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu nhiễm cúm H1N1. Ngay lập tức trẻ được cho dùng thuốc kháng virus và được hồi sức tích cực. Tuy nhiên đến sáng nay bé đã không qua khỏi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các ca cúm tử vong đa phần là do nhập viện muộn, khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng. cúm h1n1 cũng giống như các chủng cúm mùa khác có tỷ lệ tử vong nhất định. Tại Việt Nam, tỷ lệ này rất thấp, ước tính cứ khoảng 1.000 ca mắc mới có 7 trường hợp tử vong. Đa phần bệnh lành tính, tự khỏi.
Các chuyên gia khuyến cáo, cúm H1N1 rất dễ lây từ người sang người. Vì thế, người dân không nên chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly để tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh. Khi có biểu hiện nặng lên cần đi khám để được điều trị.
Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.
Như vậy tổng cộng từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 3 ca tử vong vì cúm H1N1, trước đó là một thanh niên 23 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, đều ở Yên Bái.
Phương Trang