Trong số bệnh nhân, 9 người đã được xuất viện, 69 ca khác vẫn đang nằm viện điều trị.
Theo Tân hoa xã, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang là những địa phương ghi nhận các ca mắc mới trong 24 giờ qua. Số tử vong tập trung nhiều nhất ở Thượng Hải với 11 người trong 33 ca. Chiết Giang cũng báo cáo 33 bệnh nhân, 3 ca tử vong. Phần lớn các ca bệnh tập trung ở các tỉnh phía đông của Trung Quốc. Trên thực tế, số người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống tại đất nước này là lớn, song số ca nhiễm bệnh lại không nhiều.
Dịch cúm H7N9 vẫn còn nhiều điều bí ẩn với các chuyên gia. Giới chức y tế vẫn chưa thể xác định được cách thức virus lây nhiễm cho con người. Khoảng 40% các ca bệnh không tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, trong khi vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus lây từ người sang người. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, một nhóm gồm 15 chuyên gia đã đến trung quốc để điều tra dịch tễ các khu vực ghi nhận ca nhiễm cúm H7N9 tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Đây đều là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực dịch tễ học, lâm sàng, thí nghiệm... Mục đích là để đánh giá tình hình và đưa ra các khuyến cáo về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Các chuyên gia sẽ tập trung xác định nguồn virus, cách thức lây truyền...
Trung Quốc chính thức xác nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm virus cúm h7n9 từ cuối tháng trước. Bắt nguồn từ Thượng Hải đến nay dịch đã lan ra 5 địa phương khác gồm: Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Hà Nam và Bắc Kinh. Cơ quan chức năng tiếp tục tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm và đóng cửa các khu chợ gia cầm sống để ngăn chặn khả năng virus H7N9 lây nhiễm sang người.
Phương Trang