Bác sĩ Khương đang khám cho cháu Trần Anh Mỹ. |
Sau khi mổ cắt buồng trứng, cháu Mỹ được chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM để tiếp tục điều trị. Tại đây, với kết quả giải phẫu bệnh và kết quả kiểm tra dấu ấn khối u, các bác sĩ đã khẳng định cháu bị ung thư buồng trứng bên phải, có nguồn gốc là tế bào mầm. Hiện nay, Mỹ đang được hóa trị và theo dõi tiếp.
Bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng khoa Ung bướu nhi Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, u buồng trứng không phải chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành mà còn có ở trẻ em. Nếu như ở người lớn, 80% trường hợp u buồng trứng là ung thư (bướu ác) thì ở trẻ em, tỷ số này chỉ chiếm 30%. Cho đến nay, nguyên nhân gây u buồng trứng ở trẻ vẫn chưa được xác định. Tuy vậy, việc điều trị bệnh này lại có nhiều tiến bộ, vừa bảo đảm được tính mạng vừa duy trì hoạt động nội tiết và khả năng sinh con khi các bé gái trưởng thành.
Bác sĩ Trương Đình Khải thuộc khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hầu hết u buồng trứng ở trẻ em là u tế bào mầm, trong đó u quái lành tính chiếm đa số. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Ở giai đoạn đầu, trẻ không có triệu chứng đặc biệt, chỉ hay đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, sờ vào sẽ dễ dàng phát hiện u do trẻ có thành bụng mỏng. Hầu hết bệnh nhi được phát hiện khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở hạ vị. Cũng có trường hợp bệnh được tình cờ phát hiện khi siêu âm bụng.
Khối u phát triển mạnh có thể gây chèn ép buồng trứng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khải, đây không phải là biến chứng đáng lo ngại vì chỉ cần cắt bỏ khối u là có thể bảo tồn buồng trứng. Khoảng 2/3 trường hợp u buồng trứng là u quái, tuy không gây xâm lấn nhưng có biến chứng xoắn làm hoại tử cơ quan này. Do đó, bác sĩ phải cắt bỏ luôn cả phần buồng trứng và vòi trứng. Khi bổ đôi u quái sẽ thấy có tóc, răng hoặc sụn. Nhiều người cho rằng đây là dấu vết của bào thai song sinh với trẻ. Thực ra, chúng do những tế bào đã bị biệt hóa tạo thành. Bác sĩ Khải cho rằng, những u này trông đáng sợ nhưng là điềm may cho bệnh nhân vì không gây xâm lấn hay di căn.
Còn các u ác tính nếu được phát hiện và điều trị muộn sẽ gây xâm lấn tại vùng chậu và di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi và não.
Trước đây, trẻ có u buồng trứng, nhất là u ác, thường bị cắt bỏ toàn bộ buồng trứng và tử cung. Bé gái sẽ không còn khả năng sinh sản, nội tiết cũng bị rối loạn, gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và tình cảm. Việc bổ sung nội tiết tố sau đó không thể thay thế được chức năng của cơ quan sinh dục trong đã bị mất ở những bé gái này. Vài năm gần đây, phương pháp bảo tồn được áp dụng do các bác sĩ nhận thấy u buồng trứng ở trẻ em đáp ứng tốt với hóa trị. Nếu là u lành, các bác sĩ chỉ cắt bỏ khối u. Nếu là u ác tính thì cũng chỉ cắt bên buồng trứng bị bệnh, sau đó cho dùng thuốc để hạn chế tái phát và di căn xa.
(Theo Người Lao Động)
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi