Phòng bệnh hơn chữa bệnh. |
So với cảm lạnh thì cảm cúm có triệu chứng lâm sàng rõ rệt hơn. Nếu như cảm lạnh chỉ đơn giản là hơi mệt, không sốt, kèm theo hắt hơi, sổ mũi, cơ thể hơi gai lạnh, các cơ khớp, đầu chỉ đau nhức nhẹ và chỉ kéo dài khoảng 3-4 ngày là bình phục, thì người bị cảm cúm thường bị sốt cao, khoảng 39-40 độ, nhức đầu dữ dội kèm những cơn nhức mỏi cơ, cơn ho rũ rượi kéo dài do ảnh hưởng đến phổi, phế quản, cơ thể suy kiệt nhanh hơn và rất dễ dẫn đến tử vong nếu không có những biện pháp cứu chữa kịp thời.
Trong lịch sử ngành y, dịch cúm đã nhiều lần xuất hiện và mỗi lần lại do những loại virus khác nhau gây nên. Thảm khốc nhất là "dịch cúm Tây Ban Nha" xảy ra vào đầu thế kỷ 20, giết chết khoảng 21 triệu người. Hoặc dịch "cúm châu Á", "cúm Hong Kong" trong thập kỷ 1950-60, mỗi ngày giết chết hàng trăm nghìn người. Tổng số người thiệt mạng do cúm lên tới 1,5 triệu người. |
Virus cúm thâm nhập cơ thể qua các niêm mạc của cơ quan hô hấp như mũi, miệng, mắt rồi tới phế quản, phổi. Chính vì vậy, biến chứng chính do cúm gây ra là bệnh viêm phổi. Ngoài ra chúng có thể gây ra những biến chứng khác viêm phế quản, viêm tim, thậm chí là tử vong.
Tuy nhiên, cho đến những năm đầu thế kỷ 21 này, con người vẫn chưa tìm ra loại vacxin thật sự hữu hiệu ngăn chặn được virus cúm. Lượng vacxin đã có cũng không đủ cung cấp khi dịch cúm xuất hiện. Vì vậy, "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tụ họp đông người, nhất là vùng có nguy cơ lây nhiễm, đeo khẩu trang, ăn uống đủ chất, tăng cường các loại rau, củ, quả, đặc biệt là tỏi và các chế phẩm từ tỏi, cùng một số loại thực phẩm như lúa, lúa mì, quả óc chó... có chứa khoáng chất Selenium - một loại khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể trong việc hoàn thiện chức năng của hệ miễn nhiễm của cơ thể.
Theo Hà Nội Mới