Bé được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt cho biết, cháu nhập viện trong tình trạng 4 ngón chân trái gần như đứt hoàn toàn, chỉ còn dính một chút da ở gan bàn chân, đầu ngón xẹp lạnh, dùng kim châm vào không còn chảy máu. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành nối vi phẫu.
Đến nay sau hơn 10 ngày phẫu thuật, chân bé đã có biểu hiện hồng ấm, khả năng phục hồi hoàn toàn. Dự kiến một vài ngày tới bé có thể xuất viện.
Sau hơn 10 ngày được nối, bàn chân của bệnh nhi đã có dấu hiệu sống. Ảnh: N.P. |
Ca mổ cho bé được nhận định là khó, kéo dài suốt 9 tiếng đồng hồ. Bệnh viện Việt Đức từng phẫu thuật thành công nhiều trường hợp bị đứt lìa tay, chân…, tuy nhiên trường hợp này bệnh nhân còn nhỏ, mạch máu rất nhỏ.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức, trên thế giới những trường hợp nối mạch máu 0,3-0,8 mm được gọi là nối siêu vi phẫu. Với bệnh nhi, trên mạch máu chỉ khoảng 0,5 mm phải đặt 4-5 mũi chỉ.
“Bên cạnh đó, vị trí đứt là qua khớp, hai đầu mạch máu bị dập nát, không thể làm ngắn xương được để nối hai đầu mạch máu bị đứt. Vì thế, chúng tôi phải lấy một đoạn tĩnh mạch từ trên đùi để nối”, bác sĩ Giang cho biết thêm.
Theo các bác sĩ, những tai nạn do tấm chắn pô xe máy bằng inox không phải là hiếm gặp, đặc biệt là với xe Airblade, do pô xe nằm chếch lên phía trên, tấm cản lắp thêm cũng rất sắc. Vì thế người dùng không nên lắp thêm tấm chắn pô này, nếu lắp phải chọn loại có chất lượng, dày, không sắc để tránh gây tai nạn cho những người khác.
Đầu tháng 9 BV Việt Đức cũng nối thành công bàn chân bị đứt rời cho một bé trai 3 tuổi ở Thái Bình. Đến nay bàn chân nối của bé đã phục hồi, bé đang tập đi.
Bác sĩ Giang lưu ý, trong những trường hợp bị tai nạn đứt rời tay, chân thì khâu sơ cứu là rất quan trọng. Với phần da còn dính, không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương. Chú ý, không dùng banh kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi nối.
Nam Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.