Cụ thể, những em bé bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ thì nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn 63% so với các bé có cân nặng bình thường. Ở nhóm trẻ nặng cân, tỷ lệ này là 60%. Ảnh hưởng này không liên quan đến việc bé bị sinh non hay không.
Đây là nghiên cứu cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ nhất về tình trạng tự kỷ gia tăng ở nhóm trẻ bị thiếu hoặc thừa dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ. Các chuyên gia tin rằng khả năng hoạt động kém của nhau thai - hệ thống hỗ trợ sự sống cho em bé - có thể dẫn tới sự phát triển bất thường trong cơ thể và não thai nhi.
Ảnh: salon.com |
Trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư Kathryn Abel, từ Trung tâm Sức khỏe tâm thần phụ nữ và Viện Sức khỏe, Hành vi và Não bộ nữ giới thuộc Đại học Manchester (Anh) - cho rằng quá trình liên quan đến tự kỷ đã bắt đầu từ trong tử cung.
Nhóm nghiên cứu của Abel đã tìm hiểu dữ liệu từ Stockholm Youth Cohort - hồ sơ dữ liệu y tế của Thụy Điển trên gần 600 nghìn trẻ tuổi từ 0 đến 17, từ giữa năm 2001 đến 2007. Các bé sơ sinh và trẻ em sau đó được đánh giá về khả năng xã hội, vận động, ngôn ngữ và khả năng nhận thức. Sau khi lọc bỏ một số nhóm trẻ (ví dụ còn quá nhỏ để bộc lộ tự kỷ), các nhà nghiên cứu phát hiện gần 4.300 em mắc tự kỷ, so với hơn 36.500 em không mắc.
Nghiên cứu tìm thấy những bé nặng hơn 4,5 kg lúc chào đời thì có tỷ lệ tự kỷ cao hơn, tương tự như nhóm trẻ nặng dưới 2,5 kg. Tự kỷ là tình trạng khiến trẻ khó tương tác với xã hội bên ngoài, thường có biểu hiện quá khích.
T. An (theo manchester.ac)