Trong vòng tuần qua, tại tỉnh Quảng Ngãi, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng đột biến. Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, chỉ trong 7 ngày có đến 63 trẻ nhập viện, nâng tổng số bệnh nhi tay chân miệng vào viện từ đầu năm đến nay khoảng 116 ca.
"Mấy năm trước, bệnh tay chân miệng bùng phát từ tháng 4 đến tháng 6 thế nhưng năm nay rộ lên sớm từ đầu tháng 2, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cho trẻ", bác sĩ Phụ nói.
Khoa Nhi các Bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố ở các tỉnh miền trung quá tải vì bệnh tay chân miệng bùng phát trở lại. Ảnh: Trí Tín |
Năm ngoái, bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi tạm lắng vào dịp cuối năm nên nhiều gia đình đã thiếu quan tâm, còn nhiều chủ quan trong việc ngăn ngừa bệnh cho con trẻ. Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi nhận định: "Nếu dựa theo tình hình bùng phát bệnh tay chân miệng sớm hơn mọi năm thế này thì đỉnh của đợt bệnh có thể tập trung từ nay đến tháng 4".
Tính từ giữa năm 2011 đến nay, Quảng Ngãi có hơn 7.100 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 5 trẻ đã tử vong.
Bệnh tay chân miệng bùng phát trở lại khiến nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lo "sốt vó". Cô giáo Đặng Thị Ngọc Lý, Hiệu trưởng trường mầm non 2/9 cho biết, cách đây một tuần, trường phát hiện hai cháu (ở nhóm trẻ 2-3 tuổi) nghi mắc bệnh tay chân miệng, báo phụ huynh đưa đi bệnh viện. Sau khi các bác sĩ xác định một cháu bị tay chân miệng, trường đã quyết định cho 20 cháu tạm nghỉ học ở nhà cho đến nay; đồng thời tăng cường vệ sinh, phun độc khử trùng phòng chống dịch bệnh trong khuôn viên trường.
Ngành y tế Quảng Ngãi tăng cường cán bộ về cơ sở phun thuốc, khử trùng, tiêu độc phòng chống bệnh tay chân miệng ở các khu dân cư. Ảnh: Trí Tín |
Trong khi đó, tại Quảng Nam, bệnh tay chân miêng đã lây lan đến huyện miền núi Đông Giang. Trường mầm non Liên Hợp ở thị trấn Prao phải đóng cửa cho học sinh nghỉ học từ ngày 17/2 đến nay. Cô giáo Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng trường mầm non Liên Hợp cho biết: “Ngày 16/2 phát hiện 4 cháu thuộc nhóm trẻ lớp Chồi có triệu chứng nóng sốt, miệng nổi mụn nước, nhà trường đã báo cáo Trung tâm Y tế huyện Đông Giang để thăm khám. Sau khi có kết quả một cháu mắc bệnh tay chân miệng, nhà trường đã tạm dừng công tác dạy học".
Hiện tại, trường mẫu giáo Sơn Ca ở xã Ba, huyện Đông Giang, cũng đã có một cháu bệnh tay chân miệng, cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Do đặc thù vùng cao sử dụng nguồn nước tự chảy, hệ thống vệ sinh không đảm bảo nên ngành y tế huyện Đông Giang đang lo lắng dịch bệnh tay chân miệng lây lan nhanh, uy hiếp sức khỏe, tính mạng của trẻ em địa phương này.
Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi được rào chắn cách ly phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Ảnh: Trí Tín |
Tại Đà Nẵng, tính đến sáng nay, Khoa Y học nhiệt đới thuộc Trung tâm Sản - Nhi Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 110 trường hợp nghi nhiễm bệnh tay, chân, miệng, trong đó có 15 ca nặng ở cấp độ từ 2B1 đến 4. Do trẻ mắc bệnh tay chân miệng quá đông nên Trung tâm phải cho kê thêm 45 giường trong phòng và 50 giường xếp ngoài hành lang cho người bệnh nằm điều trị.
Quá tải bệnh nhi tay chân miệng ở Đà Nẵng
Nhiều phụ huynh lo lắng mang con đến bệnh viện thăm khám. Chị Nguyễn Thị Thắng, 42 tuổi, lặn lội mang bé Trương Duy Việt từ Quảng Nam ra Đà Nẵng điều trị tại Trung tâm sản nhi. Cháu Việt sốt cao, được chẩn đoán bị nhiễm tay chân miệng cấp độ 2. Sau 8 ngày điều trị, bệnh tình bé đã thuyên giảm nhưng chị Thắng vẫn muốn ở lại ít ngày để điều trị dứt bệnh. Đôi mắt phờ phạc vì thiếu ngủ, chị cho biết: “Chỉ đưa con đến bệnh viện chúng tôi mới thực sự yên tâm chứ ở nhà đôi khi bệnh nặng thêm, đưa đi điều trị lại không kịp”.
Chiều 21/2 tại Trung tâm sản nhi Đà Nẵng, hàng chục phụ huynh bế con đứng kín hành lang Khoa y học nhiệt đới chờ đến lượt khám cho con. Do bệnh viện quá tải nên nhiều bệnh nhi được bố mẹ bế đừng chờ đến khi có người xuất viện mới có chỗ nằm.
Để ngăn ngừa dịch bệnh tay chân miệng lây lan ra diện rộng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng đã tiến hành kiểm soát, phun hóa chất tại 71 điểm nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng lo lắng: "Trước tình hình bệnh tay chân miệng bùng phát trở lại, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tăng cường giám sát ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch được phát hiện; nắm số người mắc bệnh, nhất là những ca bệnh nặng; thực hiện giám sát dịch tay chân miệng kết hợp sốt xuất huyết".
Ngoài ra, Sở y tế TP Đà Nẵng cũng đã gửi văn bản yêu cầu ngành giáo dục chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác chăm sóc giáo dục trẻ, phòng, chống dịch tay chân miệng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Trí Tín - Nguyễn Đông