Sau khi sinh cậu con trai đầu lòng, chị Nhân (35 tuổi, Hà Nội) quyết định đi đặt vòng tránh thai vì chưa có ý định sinh con nữa. 8 năm sau, thấy con đã lớn, kinh tế lại có hơn trước, chị quyết định đi tháo vòng để sinh thêm con. Một việc tưởng như đơn giản lại khiến các bác sĩ căng thẳng, đổ mồ hôi. “Hồi đặt mình thấy các bác sĩ chỉ mất một lúc là xong. Thế mà lần này lâu quá khiến mình cũng sốt ruột. Nói thật mình cũng chả để ý là chiếc dây nó bị đứt khi nào, mà cũng chả nhớ là được dặn sau bao lâu phải lấy vòng ra. Đến lúc muốn sinh con thì mình mới nhớ đến nó”, chị Nhân thở dài nói. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội) cho biết, chiếc vòng tránh thai mà chị Nhân đặt được khuyến cáo là sau 5 năm phải lấy ra, nếu muốn đặt tiếp thì thay vòng mới. Thế nhưng bệnh nhân không để ý, cứ để vòng đấy đến lúc muốn có bầu thì mới đến bác sĩ, khi đó chiếc vòng đã quá hạn 3 năm. "Vấn đề là do đã quá lâu, chiếc vòng tránh thai chữ T vốn có dây nay đã bị đứt khiến cho việc thực hiện thủ thuật vô cùng khó khăn. Lý do vì dù đặt vòng hay lấy vòng thì người bác sĩ đều không nhìn được trực tiếp mà phải mò mẫm, nhờ vào kinh nghiệm. Chưa kể người làm cũng rất căng thẳng vì sợ thủng tử cung", bác sĩ Dung nói. Trường hợp của chị Nhân vẫn còn may mắn vì chiếc vòng vẫn chưa “phiêu lưu” đến ổ bụng, bàng quang… Mới đây, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu một cụ bà 78 tuổi ở Bắc Giang bị hoại tử một đoạn ruột do vòng tránh thai chui lên ổ bụng. Theo bác sĩ Dung, vòng tránh thai là một dụng cụ được đặt vào trong tử cung của người phụ nữ nhằm ngăn trứng làm tổ trong tử cung. Đây là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả. Tuy nhiên, có chị em sau khi đặt vòng, tử cung tăng cường co bóp, khiến vòng có thể bị tuột. Nguợc lại có trường hợp bị đẩy lún sâu dần vào lớp cơ của tử cung, sau đó nó có thể đi xuyên qua lớp cơ và dần chui vào ổ bụng. Việc vòng tránh thai di chuyển vào ổ bụng hay bàng quang là một biến chứng hiếm gặp và thường xảy ra sau một thời gian khá dài. Trong thực tế, các bác sĩ sản phụ khoa thường gặp những phụ nữ để vòng trong tử cung rất lâu, sau tuổi mãn kinh, tuổi đã về hưu. Điều này là không nên vì với mỗi loại vòng, nhà sản xuất đều có thời hạn sử dụng nhất định (5 năm, 8 năm…), nếu để quá lâu trong cơ thể, không lấy ra thì dễ dẫn đến nguy cơ biến chứng, bác sĩ Dung cho biết. Ngoài những tai nạn trên, một số chị em sau khi đặt vòng vẫn có thể “dính chưởng”. Trường hợp của chị Hường, 28 tuổi, ở Thanh Xuân là một ví dụ. Lúc đầu, thấy chậm kinh 2-3 tuần, chị cứ nghĩ do xáo trộn sinh hoạt, căng thẳng trong công việc làm thay đổi nội tiết nên mới chậm kinh. Thế nhưng đợi mãi đến hơn một tháng thấy vẫn kinh nguyệt trở, trong người lại khó ở, nôn nao, bụng thì cứ có cảm giác đang to lên. Hớt hải, chị vội đến phòng khám vì sợ bị u nang buồng trứng hay gì đó. Không ngờ bác sĩ lại bảo chị có bầu. “Lúc đấy mình vừa cười vừa nói ‘Bác sĩ đùa thế nào chứ. Cháu có bầu sao được, cháu đã đặt vòng rồi mà’, nhưng thấy mặt bác sĩ nghiêm nghị nên chắc không đùa. Dù thế, vẫn không tin nên mình đi khám 2-3 nơi nữa. Thế nhưng kết quả vẫn giống nhau”, chị Hường nói. “Dù sao thì ‘chót’ rồi thì mình để đẻ, may mà không bị bệnh nan y gì đó”, chị cho biết thêm. Theo bác sĩ Dung, giống như tất cả các biện pháp tránh thai như dùng thuốc, đặt vòng vẫn có tỉ lệ nhất định vẫn thụ thai. Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều so với hiệu quả kế hoạch hoá gia đình rất lớn mà đặt vòng mang lại. Ngoài ra, khi đặt vòng mà có bầu thì chị em cũng không cần quá lo lắng, không cần phải lấy vòng ra vì nó nằm ngoài ối nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đặt vòng là biện pháp tránh thai an toàn, rẻ tiền, đạt hiệu quả cao. Điều chị em cần lưu ý là sau khi đặt, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra tình trạng, vị trí của vòng. Ngoài ra đến thời gian hết hạn của vòng, đến tuổi mãn kinh thì nên lấy vòng ra. * Tên nhân vật đã được thay đổi. Phương Trang |
Có thể bạn quan tâm: