Việt Nam hiện là một trong những nước mang gánh nặng về bệnh lao, xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm cả nước có hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh đăng ký điều trị. TP HCM chiếm gần 15% bệnh nhân lao của cả nước, với khoảng 15.000 ca mỗi năm.
Số bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân không thực hiện đúng quy trình điều trị, tự ý ngừng thuốc, uống thuốc không đúng liều.
Nguồn nhân lực y tế cho điều trị bệnh lao hiện vẫn còn hạn chế. Ảnh minh họa: B.V |
Theo bác sĩ Trần Ngọc Bửu, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh nhân mắc lao hầu hết trong độ tuổi lao động. Đa số họ chỉ dùng thuốc vài tháng đầu, khi thấy khỏe hơn, tưởng là hết bệnh nên bỏ dở điều trị. Việc điều trị dở dang khiến bệnh không được chữa dứt điểm và nhanh tái phát, với nguy cơ kháng thuốc cao.
“Chữa khỏi bệnh lao thông thường chỉ cần phác đồ điều trị 6 tháng. Lao kháng thuốc, thời gian điều trị phải từ 19 đến 24 tháng với quá trình điều trị nghiêm ngặt, nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Nếu không tuân thủ sẽ trở thành siêu kháng thuốc, tỷ lệ tử vong cao”, bác sĩ Bửu cho biết.
Mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới WHO là giảm 50% tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do lao vào năm 2015. TP HCM cũng đã triển khai chiến lược chống lao mới, phù hợp với chiến lược chống lao toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Hơn 70% số bệnh nhân lao kháng thuốc được cứu sống sau 19-24 tháng điều trị, không như trước đây là gần như không ai sống sót sau 2-3 năm.
TP HCM đang thử nghiệm phác đồ điều trị 6 tháng đối với bệnh nhân lao. Sau khi triển khai công thức này, số trường hợp tái phát từ 6% giảm xuống còn 2%, giảm 1/3 so với phác đồ 8 tháng trước kia. Tuy nhiên, tỷ lệ điều trị thất bại lại tăng lên.
Nguyên nhân của việc điều trị thất bại là do mạng lưới y tế hiện nay chưa thực sự đủ nguồn lực. Lượng bệnh đông, theo phác đồ mới tuy rút ngắn thời gian điều trị nhưng thời gian quản lý bệnh nhân tăng lên, nhân viên quán xuyến không xuể. Ngoài ra, quan trọng nhất là sự tuân thủ điều trị của người bệnh kém. Bên cạnh đó còn do sự thờ ơ của cộng đồng, mà cộng đồng ở đây chính là người thân, những người gần gũi nhất với bệnh nhân.
Theo bác sĩ Bửu, sự hỗ trợ của người nhà bệnh nhân là rất quan trọng, cụ thể cần nhắc và theo dõi bệnh nhân uống thuốc. Thân nhân cần chủ động liên hệ thường xuyên với y tế, theo dõi những biểu hiện bất thường, báo cáo ngay về tác dụng phụ của bệnh nhân, nhắc nhở bệnh nhân đi khám định kỳ, khuyến khích, động viên bệnh nhân điều trị cho đến khi khỏi bệnh.
Với phác đồ điều trị hiện nay, trong 2 tháng đầu, bệnh nhân đến uống thuốc hàng ngày tại phòng khám lao quận dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Trong 4 tháng sau, bệnh nhân tự uống thuốc ở nhà dưới sự giám sát, nhắc nhở của người nhà.
Theo một kết quả nghiên cứu tại TPHCM, tháng đầu tiên của giai đoạn duy trì, cứ 10 thân nhân thì có 4 không nhắc bệnh nhân uống thuốc. Số người nhà không nhắc, không nhìn thấy bệnh nhân uống thuốc tăng dần trong những tháng tiếp theo.
Về phía bệnh nhân, ban đầu tuân thủ điều trị tốt nhưng về sau, khoảng từ tháng thứ tư trở đi, do có phần chủ quan nên quên uống thuốc. Một phần rất lớn là người bệnh đã khỏe trở lại, tập trung vào mưu sinh nên lơ là điều trị. Kết quả cho thấy, 3% bệnh nhân ở TP HCM tự ý bỏ điều trị, tức là khoảng 500 người.
"Mấy chục năm qua, thuốc điều trị lao vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nếu lao kháng thuốc thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lây nhiễm cho cộng đồng sẽ rất cao. Việc phòng và chữa bệnh lao không chỉ là trách nhiệm ngành y tế mà của cả cộng đồng, vì sức khỏe chính bản thân bệnh nhân và tất cả mọi người", bác sĩ Bửu nhấn mạnh.
Lê Phương