Có bạn thanh niên cho biết, hàng ngày dùng thuốc viên can-xi D3 có hàm lượng 400g canxi carbonat và 400IU vitamin D3 với uống 1 ly sữa có hàm lượng can-xi là 500mg, ăn 1 viên phô-mai vào bữa trưa, sau khoảng 2 tháng thấy da mặt nổi nhiều mụn nên hỏi liệu thuốc can-xi D3 có gây nổi mụn, có nguy cơ gây vôi hóa, sỏi thận, xương cốt hóa hay không?
Vitamin D sản xuất từ ánh nắng mặt trời chiếu vào da. Nếu sản xuất dư vitamin D, cơ thể ta không xài hết được sẽ được dự trữ ở gan hoặc mô mỡ để sử dụng dần dần. Ngoài vitamin D là “của trời cho” sản xuất bởi ánh bắng mặt trời, vitamin này còn được cung cấp từ thực phẩm như dầu gan cá, mỡ cá (cá hồi, cá trích, cá mòi…), lòng đỏ trứng, sữa. Ở một số nước tiên tiến, thiếu ánh nắng mặt trời, vitamin D được bổ sung trong bánh mì, margarin (bơ làm từ dầu thực vật) để người dân không thiếu chất dinh dưỡng này. Rõ ràng là nếu ta ăn uống đầy đủ, cân bằng các dưỡng chất và chịu khó phơi nắng một ít trong ngày là chẳng phải lo thiếu vitamin. Cần ghi nhận, trẻ con nước ta rất dễ thiếu vitamin D. Ngay từ khi sơ sinh, trẻ rất cần được phơi nắng để có vitamin D, vì sữa mẹ tuy có chứa vitamin D như hàm lượng rất thấp và đặc biệt có khá nhiều bà mẹ theo hủ tục bản thân úm mình trong phòng kín chẳng dám ra nơi thoáng đãng nói chi chịu khó cho con mình mới sinh được phơi nắng.
Các nhà khoa học ghi nhận, chỉ cần 10 phút để cho hai tay và khuôn mặt lộ ra dưới nắng mặt trời không cần gắt lắm là đủ cho việc tổng hợp vitamin D với lượng cần thiết cho cả một ngày. Nếu ta ăn uống đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất và chịu khó phơi nắng một ít trong ngày là chẳng phải lo thiếu vitamin D. Vai trò chính của vitamin D là tạo xương bằng cách duy trì lượng can-xi và phốt-pho có sẵn trong cơ thể để hóa xương.
Nên bổ sung canxi và vitamin D từ thực phẩm |
Hằng ngày, trẻ con và người lớn chỉ nên uống vitamin D tương ứng với 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D/ngày. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hóa nhau (rau) thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Đối với người lớn, nếu quá liều vitamin D đưa đến tăng can-xi huyết, tăng huyết áp, nôn ói, mệt mỏi, yếu cơ, bị rối loạn gọi là “vôi hóa” ở xương, thận, tim, đặc biệt là gây sỏi thận loại can-xi.
Đặc biệt lưu ý, hiện có các dược phẩm chứa vitamin D liều cao có tác dụng kéo dài (như Auxergyl D3, vitamin D3 BON) chỉ được dùng sau khi được bác sĩ khám và cho đơn thuốc dùng để chữa một số bệnh nhất định như còi xương, nhuyễn xương do thiếu vitamin D, cơn co giật do thiếu can-xi huyết. Nếu dùng với mục đích khác như cho trẻ không thiếu vitamin D uống với hy vọng làm tăng chiều cao dễ dẫn đến quá liều rất nguy hiểm. Tuyệt đối không được dùng vitamin D (đặc biệt là loại có liều cao và tác dụng kéo dài) cho người bị canxi huyết tăng, canxi niệu tăng, bị sỏi thận loại can-xi.
Vì vitamin D liên quan đến chuyển hóa canxi nên trong điều trị thiếu can-xi do nhu cầu phải tăng can-xi để không rối loạn xương (như trẻ con chậm lớn, phụ nữ mang thai và cho con bú, suy nhược cơ thể…) thường bổ sung cả hai canxi và vitamin D. Thuốc can-xi D3 chính là thuốc phối hợp với liều dùng thích hợp cho mỗi viên can-xi D3 gồm có 400g can-xi carbonat và 400IU vitamin D3.
Với tuổi của các bạn thanh niên, mỗi ngày dùng 1 viên can-xi D3 thì không sợ quá liều dù uống đến 2 tháng, cũng không đưa đến vôi hóa, sỏi thận, xương cốt hóa như có bạn đề cập. Riêng việc mặt nổi nhiều mụn do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tuổi dậy thì ở nam giới, cơ quan sinh dục phát triển bài tiết nhiều hoóc-môn sinh dục nam là testosteron làm tuyến bã ở da mặt hoạt động quá đáng đưa đến nổi mụn chứ không thể khẳng định do dùng thuốc can-xi D3.
Chiều cao của con người do nhiều yếu tố ảnh hưởng, đặc biệt là yếu tố di truyền. Việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng (đặc biệt hằng ngày uống sữa, ăn phô mai), vận động, nghỉ ngơi ngủ đầy đủ có thể hỗ trợ tăng chiều cao trong thời niên thiếu, đặc biệt lúc dậy thì. Chứ dùng thuốc bổ sung can-xi và vitamin D đơn thuần không làm tăng chiều cao nếu chiều cao đã ổn định
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức / Đại học Y Dược TPHCM