Thông tin được đưa ra tại hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm H7N9 ở Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội, ngày 6/5. Số tiền nói trên dự kiến lấy từ nguồn vốn của Chính phủ (khoảng 36 triệu USD) và tài trợ quốc tế, sẽ được chia theo các giai đoạn của dịch, như khi dịch chưa xuất hiện, dịch bắt đầu lây từ người sang người...
Bộ Y tế ước tính kinh phí phòng chống cúm H7N9 tại Việt Nam có thể lên tới 115 triệu đô la Mỹ. Ảnh: P.N. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hoạt động điều tra hiện vẫn đang được tiếp tục nhằm xác định nguồn bệnh và phương thức lây truyền của virus cúm H7N9. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng virus cúm A/H7N9 dễ dàng lây từ người sang người. Ở Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nhiễm cúm nào được ghi nhận cả ở người và gia cầm.
Trước tình hình dịch cúm đang diễn biến phức tạp tại một số nơi ở Trung Quốc, ông Long bày tỏ quan ngại về khả năng xâm nhập và bùng phát dịch tại Việt Nam. Nguyên nhân là do Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, sự giao lưu, qua lại của hành khách nhập cảnh cũng như trao đổi hàng hóa từ trung quốc rất lớn. Đặc biệt, tình trạng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc không được kiểm dịch... nên khả năng lây lan dịch là rất cao.
Trong đầu tháng 5 này, một chương trình giám sát đã được triển khai tại các tỉnh miền Bắc nhằm theo dõi virus cúm h7n9 trên đàn gia cầm. Tại 60 chợ lớn, 18.000 mẫu xét nghiệm sẽ được thu thập từ các loại gia cầm.
Theo Tiến sĩ Takeshi Kasai, đại diện Tổ chức Y tế thế giới, virus H7N9 tái tổ hợp từ 3 nguồn: vịt nuôi ở Trung Quốc, chim hoang dã và gia cầm nuôi trong khu vực. Virus gây độc lực thấp ở gia cầm, nên rất khó phát hiện vì không làm gia cầm chết. Tuy nhiên khi lây sang người nó lại có thể gây biến chứng nặng và làm tử vong.
Hiện H7N9 đã gây nhiễm cho 130 người Trung Quốc tại 10 tỉnh, trong đó 31 người tử vong.
Phương Trang