Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, liên quan đến văcxin 5 trong 1 Quinvaxem, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận một số trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm, cụ thể có 5 trẻ tử vong. Hội đồng cấp tỉnh, thành cũng như hội đồng khoa học của Bộ đã họp và kết luận có 4 ca tử vong không liên quan đến văcxin, một ca chưa rõ nguyên nhân.
Bộ Y tế đã trao đổi với WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc để bàn tính xem sử dụng văcxin quinvaxem như thế nào. WHO đã nhận lời điều tra tất cả các trường hợp tai biến có liên quan, đồng thời sẽ kiểm nghiệm lại tất cả các lô văcxin có xảy ra tai biến để khẳng định chất lượng.
"Chúng tôi đang chờ đợi kết quả kiểm định đó, sau đó sẽ quyết định những bước tiếp theo. Đương nhiên là sẽ có những khoảng thời gian giãn cách nhưng sẽ không có vấn đề gì lớn trong việc tạo miễn dịch cho trẻ. Sau này có thể sử dụng các loại văcxin khác thay thế hoặc vẫn sử dụng văcxin này nếu như các nhà khoa học chứng minh nó đảm bảo chất lượng", Thứ trưởng Long nói.
Tiêm chủng là cách hữu hiệu phòng bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa: Thiên Chương |
Hiện tại, Bộ Y tế đưa ra phương án trong khi chờ đợi là: Sử dụng văcxin trong nước sản xuất (loại 3 trong 1), đồng thời trình Chính phủ cho phép nhập văcxin 5 trong 1 chứa thành phần vô bào (loại gây tai biến ít hơn, đang được các cơ sở y tế tiêm dịch vụ)...
Tuy nhiên phương án nhập văcxin có thành phần vô bào không đơn giản. Theo Thứ trưởng Long, nếu nhập, mỗi năm chương trình tiêm chủng mở rộng phải bỏ ra khoảng 700-800 tỷ đồng. Trong khi văcxin Quinvaxem là nguồn viện trợ của Liên minh văcxin toàn cầu, với tổng trị giá 37 triệu đôla trong thời gian 2010-2015.
"Vì vậy, chúng ta sẽ đi từng bước theo lộ trình. Chúng ta vẫn đang chờ kết luận của các tổ chức quốc tế nên cũng chưa thể khẳng định được có thay thế không và như thế nào", Thứ trưởng Long cho biết. Cũng theo ông, cần lưu ý là kể cả văcxin vô bào hay toàn tế bào (như Quinvaxem đã dùng thời gian qua) thì khả năng xảy ra tai biến là có thể. Thế giới đã chứng minh không có loại nào là an toàn tuyệt đối.
"Người dân nên an tâm, cơ quan y tế sẽ làm hết sức mình để đảm bảo việc tạm dừng này không ảnh hưởng đến vấn đề tiêm chủng. Chúng tôi cũng khẳng định thời gian tạm dừng có thể vài ba tháng nhưng không ảnh hưởng đến khả năng sinh miễn dịch của trẻ", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ngay khi có thông tin, cơ quan chức năng đã thông báo khẩn đến tất cả các cơ sở y tế quận, huyện, trạm y tế xã phường... dừng ngay việc tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem, các loại khác vẫn tiến hành bình thường.
Trong thời điểm này, cha mẹ có con đến tuổi tiêm chủng có thể chuyển sang văcxin dịch vụ, hoặc đợi phương án tiếp theo của Bộ Y tế (dự kiến trong tuần này sẽ có thông báo mới). Hiện nay giá văcxin 5 trong 1 dịch vụ khoảng 600.000 đồng, loại 6 trong 1 là thế hệ mới đắt tiền, có giá là gần 700.000 đồng.
"Lịch tiêm chủng giữa văcxin tiêm dịch vụ hay miễn phí tương đồng với nhau, vì thế nếu trẻ đã tiêm mũi miễn phí và giờ chuyển sang dịch vụ thì cũng không có gì xung đột”, ông Cảm cho biết.
Tại TP HCM, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn ngừng tiêm văcxin 5 trong 1 miễn phí. Kể từ hôm nay (6/5), trẻ đến kỳ tiêm chủng muốn tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và Hib miễn phí sẽ chờ đến khi Bộ Y tế có loại khác thay thế. Các loại có cùng tác dụng như Quinvaxem là dạng tiêm dịch vụ, phải trả tiền.
Đưa con đi tiêm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng phải trở về sau khi nhận được thông báo hoãn mà chưa biết khi nào có văcxin miễn phí thay thế, chị Hà nhà ở quận 10 cho biết sẽ chọn tiêm dịch vụ. "Tôi ngại con bị mắc bệnh trong thời gian chờ đến khi có văcxin thay thế nên đưa con đi tiêm luôn cho xong", phụ huynh nói.
Cũng như chị Hà, một số phụ huynh có điều kiện kinh tế sau khi nhận thông tin hoãn tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem đã đưa con đến các điểm tiêm chủng khác như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Viện Pasteur TP HCM, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để tiêm dịch vụ. Riêng những gia đình nghèo thì cho biết vẫn cố chờ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, việc chậm tiêm trong vài tuần không ảnh hưởng nhiều. Khả năng trẻ mắc bệnh trong thời gian vài tuần để chờ tiêm là rất khó xảy ra.
Tại Hà Nội, sau khi thông tin về việc ngừng tiêm văcxin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn giữa hai lựa chọn, cho con tiêm dịch vụ hay đợi tới khi có văcxin thay thế. Một số người hoang mang còn tính đến việc không cho trẻ tiêm văcxin tổng hợp nữa, do lo ngại tính an toàn.
Sáng qua, đưa con ra trạm y tế phường tiêm nhắc lại mũi văcxin 5 trong 1, chị Trà (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) được nhân viên y tế cho biết hoãn mũi này, và tư vấn "nếu muốn an toàn hơn thì cho con tiêm dịch vụ" mũi 6 trong 1 với giá 680 nghìn đồng.
"Nghe nói văcxin đó bị ngưng, vừa mừng vừa lo. Mừng vì đỡ lo nhỡ xảy ra chuyện gì với con, nhưng lại lo không biết con đã tiêm một mũi rồi, không tiêm tiếp có sao không, rồi chích dịch vụ thì đắt đỏ quá, hai mũi nữa là tốn gần triệu rưỡi rồi", chị Trà kể.
Cũng như chị Trà, đa số phụ huynh đã tiêm mũi 5 trong 1 cho con theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại địa phương lựa chọn tiêm dịch vụ cho mũi nhắc lại. Tuy nhiên, cũng không ít người nghĩ tới việc không tiêm văcxin này cho trẻ nữa.
"Con mình lần trước tiêm mũi 5 trong một nhắc lại lần 2 về sốt cao, cả nhà hốt hoảng, chỉ lo con bị tai biến. Hôm qua mình không đưa con đi tiêm như lịch vì đã đọc được thông tin ngừng sử dụng, và cũng không dám đưa tính mạng con ra đánh cược nữa. Chắc sẽ không cho con tiêm mũi đó nữa", người mẹ trẻ có con gái 4 tháng tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội, cho biết.
Văcxin 5 trong 1 Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (miễn phí) từ tháng 6/2010. Từ cuối năm 2012 đến nay, sau khi tiêm văcxin này, một số trẻ ở Lâm Đồng, Vĩnh Long, TP HCM, Kiên Giang, Nghệ An có sức khỏe xấu đi và có trường hợp tử vong. Đến chiều 4/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo tạm dừng tiêm nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nhu cầu văcxin 5 trong 1 sử dụng là khá lớn, mỗi trẻ tiêm 3 mũi. Tại vùng nông thôn Hà Nội, đến 90% người dân sử dụng văcxin trong chương trình tiêm chủng, ở thành phố thì khoảng 70-80%, còn lại là tiêm dịch vụ.
Nhóm phóng viên