Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là sự cố hy hữu đáng tiếc và bất thường nhưng đặc biệt nghiêm trọng gây tử vong cùng lúc 3 trẻ. Công tác kiểm tra, xác minh của Bộ Y tế không thể làm rõ được nguyên nhân.
"Bộ Y tế nhận thấy cần phải điều tra nguyên nhân một cách độc lập, khách quan nhằm xác định đúng người, đúng việc đã gây ra sự việc trên, tránh tình trạng bao che và gây dư luận không tốt", bà Bộ trưởng nhấn mạnh trong công văn gửi người đồng cấp Bộ Công an.
Theo đó, vì sức khỏe của người dân, Bộ Y tế đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành điều tra xác minh nguyên nhân vụ việc và có kết luận một cách sớm nhất.
Ảnh minh họa: WP. |
Ngày 20/7, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã xảy ra vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B. Những cái chết đều đến trong vòng một giờ sau khi chích ngừa, với những biểu hiện tương tự nhau.
Bộ Y tế đã cử đoàn công tác tới Quảng Trị để phối hợp với Sở Y tế, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan xác minh tìm hiểu nguyên nhân. Dựa trên kết quả kiểm tra thực địa và kết quả khám nghiệm tử thi của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh, Bộ Y tế sơ bộ kết luận đây là chùm ca bệnh phản ứng sau tiêm chủng văcxin viêm gan B, do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân.
Ngày 26/7, Bộ trưởng Y tế cũng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở Y tế tạm đình chỉ công tác đối với cá nhân có sai sót trong vụ tiêm chủng tại Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa. Chiều 27/7, một bác sĩ và một hộ lý trực tiếp liên quan vụ việc bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Việt Nam, trong mọi quy trình y tế đều chứa đựng rủi ro và văcxin cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng phụ của văcxin là rất nhỏ và không kéo dài (đau tại chỗ tiêm, sốt kéo dài dưới 1 ngày). Sốc phản vệ sau khi tiêm văcxin có xảy ra, nhưng cực kỳ hiếm. Đối với văcxin viêm gan B, cứ một triệu lần tiêm thì tỷ lệ sốc phản vệ chưa tới 1,1 lần.
Theo WHO, tại Việt Nam, khoảng 10-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B. Vì thế, việc phòng bệnh từ mẹ sang con là một tác nhân quan trọng khiến cho các ca nhiễm HBV ở Việt Nam ở mức cao.
Ngoài ra, WHO cho rằng việc xác định trước người mẹ dương tính với virus viêm gan B sau đó mới tiêm ngừa cho con rất khó thực hiện. Các cơ sở chăm sóc tiền sản cho bà mẹ không có đủ trang thiết bị để tiến hành xét nghiệm hoặc thiếu tài chính để làm. Ngân sách cần thiết để xét nghiệm có thể cũng tương đương với mức dành cho chương trình tiêm chủng trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, mũi tiêm này cũng giúp hoàn tất các đợt tiêm chủng ngừa viêm gan B đúng lúc với tỷ lệ cao hơn, và thậm chí hoàn tất quá trình tiêm chủng này. Vì thế, để ngừa bệnh viêm gan B mãn tính, WHO vẫn tiếp tục khuyến nghị nên tiêm liều văcxin phòng bệnh viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, 2 liều kế tiếp sẽ được bổ sung vào một năm sau đó.
Viêm gan B là một bệnh rất nghiêm trọng, thời điểm này chưa có phương pháp điều trị rõ ràng với trường hợp bị nhiễm viêm gan B cấp tính. Văcxin viêm gan B là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn virus viêm gan B và các hệ quả của nó, như tăng rủi ro về xơ gan và ung thư gan.
Đại diện WHO cho rằng, tính an toàn của văcxin viêm gan B liên tục được nghiên cứu từ khi chúng được sử dụng lần đầu tiên. Bất chấp vô số các nghiên cứu dài hạn, vẫn không có bằng chứng về những tác dụng phụ nghiêm trọng, kéo dài có liên quan đến tiêm chủng viêm gan B.
Phương Trang - Hà An