Tiếp nhận và chăm sóc một bệnh nhân mới. Ảnh AFP |
Theo phác đồ điều trị mới, có thể dùng các kháng sinh nhóm Cephalosporine hoặc Quinolone, kết hợp với Aminoside (không dùng Quinolone cho trẻ dưới 15 tuổi). Bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc kháng virus Ribavirin tối đa 1.200 mg/ngày. Không dùng thuốc này cho người dị ứng thuốc, thai phụ, bà mẹ cho con bú, người bị suy gan nặng hoặc xơ gan. Phụ nữ dùng nó không được có thai trong vòng 4 tháng để tránh nguy cơ quái thai.
Mấy ngày gần đây, tại nhiều địa phương như Đà Nẵng, Phú Yên, Bến Tre rộ lên tin đồn là có người nhiễm bệnh lạ hoặc tử vong vì bệnh này. Trên thực tế, có một số trường hợp nhập viện với các biểu hiện bệnh lý đường hô hấp, nhưng tất cả đã được xác định là không phải SARS. |
Bộ Y tế cũng cho biết vừa có thêm một bệnh nhân nghi ngờ mắc SARS nhập Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới. Người này sinh sống tại Hà Nội, là em bệnh nhân Nguyễn Đức Khiêm (Ninh Bình). Hiện tại đây còn 27 bệnh nhân, 7 người trong số đó đang được tiếp tục điều trị, 20 bệnh nhân khác đã bình phục và chờ ra viện. Tại Bệnh viện Việt - Pháp, bác sĩ Nguyễn Hữu Bội vẫn trong tình trạng rất nặng.
Theo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Quân đội đã được chọn để thực hiện tẩy trùng cho Bệnh viện Việt -Pháp. Sau khi công việc hoàn tất và được Bộ Y tế thẩm định, kiểm tra, bệnh viện sẽ mở cửa trở lại. Cơ sở này đang kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam để được vay 1 triệu USD, dùng trong việc chuẩn bị tái hoạt động. Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cũng đã hứa hỗ trợ Việt - Pháp một khoản tín dụng trị giá 100.000 euro cho công tác này.
Hôm qua, Đoàn công tác Bộ Y tế do giáo sư Hoàng Thủy Long dẫn đầu đã kiểm tra tình hình phòng ngừa SARS tại Đà Nẵng. Hiện nay, tại sân bay và cảng biển Đà Nẵng đã bố trí phòng cách ly cho bệnh nhân nghi nhiễm SARS. Tất cả những nơi có nhiều nguy cơ bệnh lạ xâm nhập đều đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó. Khu vực phòng chờ sân bay được sát khuẩn mỗi ngày.
S.K.