Bác sĩ Trần Quốc Cường, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, khảo sát vừa được thực hiện trên những người có độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi. Mục đích là nhằm tìm ra những món ăn sáng hợp lý nhất cho bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp và béo phì.
bún tươi làm từ gạo là thực phẩm cho chỉ số đường huyết thấp. Ảnh: Cao Lâm |
Bác sĩ Cường cho biết, các loại thức ăn chọn thử nghiệm là những món thông dụng có đặc điểm chung là đều giàu chất carbohydrate (hay đường đơn). Chất này cung cấp calo cho cơ thể hoạt động nhưng lại có hại nếu tiêu thụ quá nhiều.
Những người tham gia lần lượt dùng 7 loại thức ăn trong 3 ngày. Trước khi ăn, họ được lấy máu thử đường huyết lúc đói rồi lần lượt ăn các loại thức ăn để đo chỉ số đường huyết sau đó 2 giờ đồng hồ.
Kết quả cho thấy, cùng làm từ gạo nhưng bún tươi, bánh ướt, cơm gạo tấm lại thuộc nhóm có chỉ số đường huyết thấp. Bánh mì có chỉ số đường huyết trung bình. Các món còn lại gồm cơm gạo tài nguyên, cơm gạo huyết rồng và xôi có chỉ số đường huyết cao nhất.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, các bác sĩ cho rằng, bún và bánh ướt phù hợp cho thực đơn của người thừa cân, tiểu đường và cả những người khỏe mạnh. Tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý, chỉ số đường huyết có thể sẽ tăng lên nếu dùng kèm với các loại thức ăn khác như thịt bò, thịt lợn, giò chả...
Cũng từ kết quả khảo sát, các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho rằng việc chỉ ăn cơm trắng với ít thức ăn để ổn định đường huyết như nhiều người thường làm là không hiệu quả. "Gạo tài nguyên và xôi nếp là hai loại thức ăn cho chỉ số đường huyết cao nhất", bác sĩ Cường nói.
Một sai lầm khác là việc nhiều người truyền nhau hễ bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp thì ăn kiêng bằng gạo lứt muối mè trong khi lại mua nhầm gạo huyết rồng. "Lý do là gạo lứt và gạo huyết rồng có hình thức gần giống nhau và sai lầm này khiến bệnh càng nặng hơn bởi gạo huyết rồng khiến đường huyết tăng cao", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Cao Lâm