Tại Bệnh viện Đại học Y dược tp hcm , bệnh nhân sinh năm 1982 cho biết, khối u xuất hiện từ khi anh còn nhỏ. Gia đình không có điều kiện chữa trị nên bướu to dần lên.
“Thời gian gần đây, tôi thấy hai chân mình bị yếu dần và trước khi nhập viện thì liệt hẳn", anh này nói.
Khối bướu máu khổng lồ trước khi bị cắt bỏ. Ảnh: Thiên Chương |
Theo các bác sĩ, khối u là loại bướu máu có kích thước to bất thường. “Bướu phát triển biến dạng ngực của bệnh nhân, đồng thời xâm lấn vào tủy sống làm bệnh nhân liệt hoàn toàn hai chân”, một bác sĩ cho biết.
Êkíp bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Ngoại Thần kinh và Can thiệp nội mạch phối hợp phẫu thuật cho bệnh nhân Tùng. Do bướu quá to, để tránh tình trạng mất máu trong phẫu thuật, trước khi mổ, các bác sĩ đã phải làm thuyên tắc một phần các mạch máu nuôi bướu.
"Chúng tôi đã phải mổ đến hai lần. Một lần tách bướu khỏi vị trí gây chèn ép tủy sống và một lần bóc trọn khối u", một bác sĩ khoa Ngoại thần kinh nói.
Sau hơn 5 giờ đồng hồ mổ, khối bướu máu nặng 5 kg đã được bóc tách thành công. Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, đây là bệnh nhân có khối bướu máu lớn nhất mà bệnh viện này từng tiếp nhận trong nhiều năm trở lại đây.
Sau mổ, dự kiến cơ chân của anh Tùng sẽ dần phục hồi sau vài tháng tập vật lý trị liệu và bệnh nhân cũng sẽ đi đứng trở lại như mọi người. Hiện sức khỏe của anh Tùng hồi phục tốt.
Qua trường hợp trên, để tránh tình trạng bướu xâm lấn sang các bộ phận khác, các bác sĩ khuyên khi cơ thể có u, bệnh nhân cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được khám và tư vấn hướng điều trị kịp thời.
Thiên Chương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi