Trên thực tế, cà chua chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và còn giúp người sử dụng phòng rất nhiều bệnh nguy hiểm.
Cà chua giàu dinh dưỡng
Theo bảng phân tích thành phần hoá học của Viện vệ sinh dịch tễ ( Bộ Y tế), trong 100g cà chua có 94g nước, 0,6g protit, 4,2g gluxit, 0,8g xenlulô, 0,4g tro, 12mg canxi, 26mg photpho, 1,4mg sắt, các loại vitamin caroten, vitamin B1, B2. PP, C... cung cấp được 20kcal. Quả cà chua chín có màu đỏ tươi tạo màu đẹp và sự ngon miệng cho các món ăn. Màu đỏ này còn cho thấy hàm lượng vitamin A thiên nhiên trong cà chua cao, trung bình chỉ cần 100g cà chua chín còn tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hằng ngày về vitamin A, cũng như các vitamin B6, vitamin C. Ngoài ra còn có các vitamin B1, B2, PP...
Các chất khoáng vi lượng có trong cà chua như canxi, sắt, kali, photpho, magnesium, lưu huỳnh, nickel, cobalt, iôt, các axit hữu cơ dưới dạng muối citrat và tuỳ theo môi trường trồng, trong cà chua có thể có cả đồng, molibden. Chính nhờ các yếu tố này, cà chua được coi là một thức ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Giúp cơ thể giải độc
Cà chua rất giàu chất xơ, các chất xơ trong quá trình hấp thu vào cơ thể di chuyển đến đại tràng, sẽ cản trở quá trình hấp cholesterol, chất béo vào cơ thể… Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm trọng lượng cơ thể nhanh chóng.
Ngoài ra, mỗi 100g cà chua có chứa 95g nước, vì vậy khi ăn cà chua sẽ nhanh có cảm giác no và làm cho bạn không còn cảm giác thèm ăn. Cà chua cũng dễ tiêu hóa nên được dùng thay thế cho các loại rau củ khác trong bữa ăn rất tốt, đồng thời lại không làm bạn hấp thụ nhiều calorie từ các món ăn khác.
Ngăn ngừa ung thư
Cà chua rất giàu lycopene. Đây là chất chống ô-xy hóa, loại bỏ các gốc tế bào tự do, ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư. nghiên cứu của các nhà khoa học Ý cho thấy lycopene trong ức chế sự tăng sinh tế bào khối u có hiệu quả hơn so với các carotene. Do đó, trong phòng ngừa chứng mất trí, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh gan, cà chua cũng góp phần hiệu quả không nhỏ.
Màu đỏ của quả cà chua do các sắc tố của carotenoit có tác dụng bảo vệ da khỏi sự tấn công của các yếu tố bên ngoài cũng như ánh nắng mặt trời. Nó còn có tác dụng chống lại các tia cực tím và tăng lượng sắc tố tạo cho da dẻ hồng hào cao gấp 6 lần các hợp chất thông dụng hàng ngày.
Nên ăn tươi hay nấu chín?
Mặc dù cà chua tươi cũng rất tốt cho sức khỏe nhưng khi nấu chín với các món ăn sẽ còn có nhiều lợi ích sức khỏe hơn. Bởi giá trị dinh dưỡng của cà chua không mất đi khi được nấu ở nhiệt độ cao. Ngoài ra, khi nấu chín, cấu trúc tế bào trái cây trong cà chua sẽ bị phá hủy, giúp cơ thể dễ dàng hấp thu lycopene hơn. Tuy nhiên, khi dùng nấu ăn, cà chua sẽ có nồng độ đường, muối… cao nên không phát huy hết giá trị dinh dưỡng vốn có. Vì vậy, người dùng nên dùng cà chua làm nước xốt, cho vào công đoạn cuối cùng khi chế biến, hoặc nấu không nêm nếm để bảo đảm những vi chất có lợi.
Đặc biệt, nên cho thêm một ít dầu ô-liu vào khi chế biến cà chua, với dầu này, cơ thểsẽ hấp thụ lycopene tốt hơn.