Chanh tươi có tác dụng giã rượu. |
Bài 1: Chanh tươi 1 quả, vắt nước cho uống, hoặc thái ra ăn, ăn luôn cả quả càng tốt.
Bài 2: Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100-200 g, rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống.
Bài 3: Vỏ quít phơi khô (để lâu năm càng tốt) 30 g, sao thơm, tán vụn; mơ chua 2 quả bỏ hạt, thái vụn. Hai vị sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút lọc bỏ bã, cho uống. Nếu có thêm một chút nước gừng hoặc trà thì càng tốt.
Bài 4: Vỏ cam 60 g, rửa sạch, sấy khô, tán bột, cho uống 6 g với nước ấm, nếu chưa công hiệu có thể cho uống thêm một vài lần.
Bài 5: Trà diệp 1 nắm, đậu xanh 60 g đập vụn, lá long não 10 g. Tất cả hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10-15 phút thì dùng được, chia uống vài lần.
Bài 6: Trà búp 5 g, quất khô (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được) 16 g thái vụn. Hai thứ hãm với nước sôi, uống đặc.
Bài 7: Trà búp 9 g, cà rốt tươi 60 g, vỏ bí xanh 15 g. Ba vị sắc uống.
Bài 8: Quả cau tươi (bỏ vỏ xanh, bỏ hạt) 50 g, cam thảo 12 g (nửa để sống, nửa sao muối). Tất cả hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút thì dùng được, chia uống vài lần.
Bài 9: Hoa sắn dây (nếu không có, dùng củ sắn dây thay thế) 10 g sắc uống. Cũng có thể hãm cùng trà búp 5 g, đậu xanh 10 g, chia uống vài lần.
Bài 10: Vỏ quả chanh 50 g, vỏ quả quít 50 g, hoa sắn dây 25 g, hoa đậu xanh 25 g, nhân sâm 10 g, đậu khấu 10 g, muối ăn 30 g. Các vị sấy khô, nghiền bột, đựng trong bình kín, dùng dần. Khi say rượu, lấy 5-7 g pha nước uống, mỗi ngày uống 3 lần.
BS Hoàng Khánh Toàn, SK&ĐS