1. Cắt tầng sinh môn
Cắt tầng sinh môn là thủ thuật rạch một nhát nhỏ ở tầng sinh môn (chỗ giữa cửa âm đạo và hậu môn) để tạo đường cho bé ra. Thủ thuật này được thực hiện khi cửa âm đạo không giãn đủ trong khi bé cần phải ra nhanh chóng vì đang trong tình trạng nguy cấp, hoặc cần tránh tình trạng nguy cấp. Sau khi sinh, vết cắt được khâu và sẽ lành trong khoảng hơn một tuần, tuy nhiên nó có thể khiến mẹ đau khi tiểu/đại tiện.
Muốn tránh cắt tầng sinh môn, mẹ hãy tập co giãn các cơ vùng âm hộ từ khi mang thai. Trong khoảng vài tuần trước khi sinh mẹ hãy tập vài lần một ngày. Sau khi sinh nếu phát hiện viêm nhiễm vết khâu, mẹ nên thông báo ngay với bác sĩ để được giải quyết.
2. Kẹp lấy thai (kẹp Forceps)
Dụng cụ kẹp forceps hay còn gọi là kẹp lấy thai trông giống một chiếc kéo, dùng để kẹp chặt đầu thai nhi và gắp ra ngoài. Bác sĩ chèn kẹp vào âm đạo của mẹ, áp vào hai bên đầu của thai nhi và kẹp lai. Trong quá trình co thắt, bác sĩ sẽ nắm lấy tay cầm của kẹp và nhẹ nhàng kéo bé xuống và ra khỏi ống sinh cùng với lực đẩy của mẹ.
Kẹp lấy thai được dùng để giúp đưa em bé ra ngoài khi bé đã ra đến giữa hoặc ngay cửa âm đạo mà người mẹ không còn sức để rặn, hay cần phải đưa bé ra ngay vì suy thai. Khi kẹp lấy thai, mẹ bé được gây tê.
Nếu thao tác đúng thì kẹp lấy thai sẽ không nguy hiểm gì, đôi khi lưỡi kẹp để lại dấu vết trên mặt trẻ sơ sinh nhưng những dấu vết này sẽ mau chóng mất đi. Cũng có vài trường hợp hiếm thấy, đầu trẻ sơ sinh có nguy cơ tổn thương kèm chảy máu bên trong. Nếu kẹp gắp thai sử dụng trong những tình huống chuyển dạ kéo dài sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn!
Kẹp forceps là dụng cụ trợ sinh thường được sử dụng trong hỗ trợ sinh sản. (Ảnh minh họa)
3. Trợ sinh bằng giác hút
Kỹ thuật trợ sinh bằng giác hút nghĩa là bác sĩ sản khoa sẽ chụp lên đầu thai nhi một dụng cụ hình chén bằng cao su hoặc kim loại, nối liền với máy hút chân không. Khi máy hoạt động sẽ tạo ra lực hút (hút hết khí nằm giữa chén và đầu thai nhi, tạo chân không, chèn ép rất chặt vào đầu thai nhi). Trong cơn gò, sản phụ gắng rặn và bác sĩ kéo chén hút kéo em bé ra ngoài. Khi đầu trẻ lọt ra ngoài âm đạo thì tháo chén hút, phần cơ thể còn lại của bé sẽ được lấy ra dễ dàng
Hiếm có trường hợp xuất hiện biến chứng nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh theo phương pháp này. Bé được sinh ra với sự trợ giúp của giác hút có thể có một vết bầm tím lớn trên đỉnh đầu. Các vết bầm tím này sẽ biến mất trong vài tuần hoặc lâu hơn. Nếu bé có vết bầm trên đầu thì có khả năng bé sẽ bị vàng da do những tế bào máu đỏ ở vết bầm phá vỡ và giải phóng bilirubin - một thành phần gây vàng da nếu xuất hiện quá nhiều trong máu. Trợ sinh bằng giác hút cũng có thể gây xuất huyết võng mạc do áp lực từ giác hút lên đầu của bé. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra ở những trường hợp sinh thường không áp dụng các phương pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xuất hiện tạm thời và sẽ biến mất sau một thời gian.
4. Mổ lấy thai
Nếu cần phải giúp bé ra nhanh chóng mà kỹ thuật giác hút và forceps không có hiệu quả thì bác sĩ sản khoa phải tiến hành mổ tử cung để lấy thai. Thủ thuật này bao gồm cạo lông âm hộ, truyền dịch và nhanh chóng chuyển sản phụ vào phòng mổ, bác sĩ gây tê màng cứng rồi tiến hành rạch một đường nằm ngang dài chừng 10cm ở ngang bụng dưới (vị trí của tử cung) để lấy thai nhi.
5. kích thích chuyển dạ
Mẹ sẽ được kích thích chuyển dạ nếu thai già tháng (quá 42 tuần), sắp suy thai mà chưa chuyển dạ, vỡ ối sớm hoặc tình trạng sức khoẻ đòi hỏi phải chấm dứt thai kỳ dù chưa chuyển dạ. Bác sĩ sẽ truyền oxytocin cho mẹ để kích thích tử cung co bóp. Nếu trong khi truyền, thai có biểu hiện suy hoặc có nguy cơ đối với mẹ thì sẽ phải tiến hành mổ lấy thai.
- 22/05/15 09:50 Các bước sơ cứu bỏng cho bé mẹ nên nằm lòng
- 20/05/15 10:40 5 cách phòng trầm cảm sau sinh hiệu quả
- 08/05/15 10:00 Mẹo hay trị rôm sảy cho bé ngày hè
- 06/05/15 12:53 7 thực phẩm giàu omega-3 giúp trẻ thông minh vượt trội