Ảnh minh họa: trimunthit. |
Trả lời:
Chào bạn,
Mụn cóc là những u nhỏ lành tính, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus). HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thể phát triển trong nhiều tháng mới nhìn thấy được.
Bệnh cũng có thể tự lây nhiễm (dân gian gọi là “nhảy”) trên bản thân người bệnh. Từ vài mụn cóc lớn ban đầu (còn được gọi là “mụn cóc mẹ”), chúng lây lan sang những vùng da lân cận hay những vùng da bị tiếp xúc trực tiếp (như cào, gãi, nắm tay...) và tạo ra nhiều “mụn cóc con” nhỏ li ti. Những mụn con này sẽ phát triển rồi tiếp tục lây lan.
Ngoài tình trạng gây mất thẩm mỹ, mụn cóc còn gây ra một số triệu chứng khác. Khi phát triển to hoặc nằm ở những vị trí bị đè ép khi đi bộ hay chạy (gót chân, đầu ngón chân cái…), chúng sẽ gây đau hay tạo cảm giác vướng cộm rất khó chịu. Mụn cóc quanh móng chân có thể làm nứt nẻ và đau.
Một số ít trường hợp mụn cóc có thể tự biến mất sau vài tháng hay nhiều năm, nhưng đa số vẫn tồn tại, phát triển và lây lan trong thời gian dài. Vì vậy, khi chúng phát triển nhiều, to, đau, chảy máu khi va chạm, làm khó chịu, mất thẩm mỹ thì cần phải điều trị.
Về cách điều trị ngoài việc sử dụng dung dịch thoa tại chỗ gồm acid Salicylic và acid Lactic (Duofilm, Collomack) thì chấm Nitơ lỏng, đốt điện, tiểu phẫu… có thể xóa được mụn cóc. Song tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được bác sĩ khám và tư vấn cách điều trị hợp lý nhất.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Bác sĩ Dương Lê Trung
Bộ môn Da liễu Đại học Y dược TP HCM