Trên thế giới, khái niệm Rich Kids đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng tại Việt Nam cụm từ này gần đây được nhắc đến rầm rộ. Lần đầu tiên, người ta có cái nhìn cận cảnh về một Rich Kids Việt dù chỉ là thông qua một vài món đồ, thông qua một sự kiện thường niên mà đối tượng hướng đến là những người Việt trẻ. Để từ đây, câu hỏi giới trẻ nhà giàu đang sống như thế nào, đã trở thành đề tài bàn tán, bình luận của...cả xã hội. Câu hỏi: “Bố mẹ giàu có phải là một cái tội?” bỗng nhiên trở thành đề tài khiến người ta quan tâm, muốn đi tìm câu trả lời.
Còn nhớ đoạn clip gây “bão” mạng xã hội mới đây được quay tại một sự kiện lớn ở TP. HCM. Khi tới tham gia sự kiện này, các bạn trẻ bất ngờ nhận được yêu cầu “bóc giá” những món đồ đang mang trên người như; quần áo, giày dép, túi xách, balo…
Và câu trả lời tiết lộ những mác giá của họ đã khiến nhiều người choáng váng, giày Gucci 16 triệu, túi xách Gucci 60 triệu, áo Rick Owen 10 triệu, khẩu trang 1,4 triệu, vớ 2 triệu… Ngay lập tức, đoạn clip được lan truyền chóng mặt, tất nhiên kèm theo đó là khen chê có đủ.
Và điều đáng quan tâm nhất, đó chính là sau sự kiện này, rất nhiều người đã lớn tiếng chỉ trích việc tiêu xài phung phí của đối tượng này, không ít người còn vào “dạy dỗ” họ cách tiêu tiền sao cho đúng, cho hợp lý,... Mà quên mất điều quan trọng nhất, tiền không phải bị moi từ túi mình!
Những video như thế này rất phổ biến ở nước ngoài, giới trẻ tự tin chia sẻ về lựa chọn thời trang của mình, vì đây cũng chỉ được xem là một niềm đam mê hay yêu thích. Thậm chí, họ tự hào khoe tủ giày bằng cả một gia tài và mọi người chỉ xem đó là chuyện thường như "cân đường hộp sữa". Song ở Việt Nam, thì đây lại là lần đầu tiên thay vì nghe nói, người ta đã hiểu thế nào là một Rich Kids Việt. Vì thế, điều tưởng như bình thường này lại trở thành cái mới, cái khác biệt gây chú ý, và hơn thế nữa là “săm soi”. Cuối cùng, họ đã đẩy câu chuyện ăn mặc, tiêu xài, của một bộ phận giới trẻ trở thành đề tài nóng hổi.
Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 2.385 USD (khoảng 55 triệu VND), vì vậy với 1 "set đồ" của những Rich Kids Việt đã tương đương cả năm lao động của một người trưởng thành, chẳng trách mà cư dân mạng phải nháo nhào.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở độ tuổi các em đa phần chưa thể tự kiếm ra tiền để tiêu xài, vẫn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, việc sở hữu những món đồ hiệu đắt đỏ chẳng có gì đáng tự hào hay khoe khoang.
Nếu người bình thường cho con mình 10 nghìn mỗi ngày để tiêu vặt và cho đó là bình thường, thì việc người giàu chu cấp cho con cái trăm triệu mỗi ngày cũng chẳng có gì là bất thường. Cái này, người ta gọi là tương xứng!
Với sự phát triển của mạng xã hội, người ta dễ dàng cho mình quyền ngồi sau màn hình và bình phẩm, đánh giá bất kỳ ai. Rất nhiều bạn trẻ xuất hiện trong đoạn clip sau khi bất ngờ nổi tiếng đã trả lời báo chí, rằng cảm thấy vô cùng áp lực và mệt mỏi vì bị chỉ trích mà không hiểu mình mang tội gì.
Các em ngơ ngác trước việc, nói về một niềm yêu thích hay đam mê của bản thân lại bị lên án dữ dội chỉ vì điều các em đam mê dính tới hai chữ "phung phí". Có thể thấy, với những Rich Kids Việt, họ không xem một đôi giày trăm triệu là bất thường, vì nó đúng với hoàn cảnh và mức sống của họ.
"Nếu ném que gỗ tới con chó, nó sẽ nhìn vào cái que. Nhưng nếu ném que gỗ tới con sư tử, nó sẽ không rời mắt khỏi người đã ném cái que đó". Có thể hiểu câu nói này theo kiểu: “Nếu bạn thấp bé, bạn chỉ nhìn nhận vào những gì người ta đưa cho bạn, nhìn vào những việc trước mắt. Nhưng nếu bạn to lớn, bạn sẽ là người nhìn xa trông rộng, liền nhìn thấy cả gốc gác căn nguyên đằng sau”. Người ta dễ dàng thấy, một đứa trẻ có nhiều tiền trong tay và lập tức sẽ nghĩ: Đứa trẻ đó vòi vĩnh để được tiền, hay bố mẹ quá chiều chuộng mà để con tiêu xài hoang phí mà quên mất, đó cơ bản chỉ là mức sống bình thường của họ.
Người Việt thường có tư duy tích lũy. Họ làm lụng, cày cuốc để tậu được nhà, tích lũy tiền làm gia tài và... để lại cho con cái. Những "bố mẹ giàu" thực tế đều phải lăn lộn, vất vả, chỉ với mục đích để người thân, con cái được sống tốt hơn. Và điều đó không đồng nghĩa với chu cấp cho con tiền bạc hay vật chất là con sẽ hư hỏng. Đừng đổ lỗi cho bố mẹ giàu!
Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ nhà giàu mặc đồ bình dân, vì nó không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của họ. Sự khiên cưỡng sẽ giống như, khi bạn mặc quần áo trong một xã hội toàn người khỏa thân, bạn sẽ trở nên kỳ lạ. Chúng ta không thể lấy hoàn cảnh hay kinh nghiệm của mình mà bắt người khác hành động theo chúng ta mong muốn.
Theo tính toán, 1.000 USD dùng để mua iPhone X có thể mua được 1,6 tấn gạo cho gia đình 4 người ăn trong 4 năm. Nhưng vấn đề là họ có đủ tiền mua cả iPhone và cả gạo. Những người giàu có ngày hôm nay cũng không ít người xuất thân từ đói khổ, nhưng sự khác biệt trong cách tư duy chính là chìa khóa giúp họ thành công. Họ hoàn toàn có quyền hưởng thụ thành quả mà mình đạt được.
Nhiều người vẫn nói, đừng dạy những người giàu cách tiêu tiền như thế nào. Việc đó chẳng khác gì cầm đèn chạy trước ô tô. Tiền không tự trên trời rơi xuống. Nên nếu, nhà giàu dùng tiền làm từ thiện, chúng ta vinh danh họ; nhưng nếu họ muốn dùng tiền để chu cấp cho con cái thì đó đơn giản chỉ là sự thụ hưởng xứng đáng.
Những Rich Kids này cũng là một thế hệ trẻ, họ may mắn được thừa hưởng những điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp. Đánh giá một đứa trẻ qua cách chúng chi tiền mua món hàng không đủ để mang về kết quả gì đúng đắn, cái áo hay đôi giày đẹp đơn giản chỉ là cách giúp một người có được niềm vui trong cuộc sống.
Những người sở hữu nền tảng tài chính vững mạnh không bao giờ đổ lỗi cho tiền bạc. Họ đã chứng minh, tiền là phương tiện mang lại hạnh phúc, chứ không quyết định hạnh phúc. Vì thế chúng ta, những người chưa nhiều tiền, đừng mang cách sống và quan điểm của mình áp đặt lên thế hệ trẻ. Vì chung quy lại, có bố mẹ giàu không phải là cái tội!
Có bố mẹ giàu, có lẽ, sẽ giúp những đứa trẻ này chẳng cần "quá vội" để "cắm đầu cắm cổ" chạy về tương lai.
Bài viết: Anna
Thiết kế: Phan
Minh họa: Pink Phúc