Bộ Y tế triển khai luật này hôm 23/4 tại Hà Nội. Người chưa đủ 18 tuổi mua, bán, sử dụng thuốc lá có thể bị phạt 200.000-300.000 đồng, còn người bán sẽ bị phạt tối đa một triệu đồng. Theo luật mới, nhà sản xuất phải in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50% diện tích vỏ bao thuốc lá. Đây là một cách làm hiệu quả, tác động trực tiếp đến người hút thậm chí là người mù chữ, người dân tộc và trẻ em.
Theo nhiều chuyên gia việc thực thi luật còn nhiều gian nan thách thức, thậm chí một số điều quy định khó có tính khả thi nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Chẳng hạn, luật quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà và trong khuôn viên gồm cơ sở y tế, nhà trẻ, khu vui chơi dành cho trẻ, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao… Đây không phải lần đầu có quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm trong nhà. Từ năm 2010, đã có quy định hành vi vi phạm bị xử phạt 50.000-100.000 đồng, tuy nhiên thực tế nhiều người dân vẫn vô tư hút bất chấp biển cấm. Lý do vì không có ai đi phạt. Sắp tới mức phạt này có thể được tăng lên 200.000-500.000 đồng.
Một trong những hình ảnh cảnh báo dự kiến in trên vỏ bao thuốc từ ngày 1/5. Ảnh: T.H. |
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm thuộc thanh tra y tế, quản lý thị trường, chính quyền các cấp… Khi phát hiện người hút thuốc lá nơi công cộng, họ sẽ lập biên bản xử phạt, người bị phạt phải mang tiền đến kho bạc Nhà nước để nộp.
“Hiện nay việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng còn nhiều cái khó. Họ chỉ hút 1-2 phút là xong một điếu thuốc, thậm chí chỉ châm lửa hút 1-2 hơi rồi bỏ. Thời gian diễn ra hành vi vi phạm ngắn, số lượng vi phạm lại đông, nên việc xử phạt khó có thể tiến hành đầy đủ, kịp thời”, ông Quang nhìn nhận.
Luật cũng quy định đại lý, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một hộp của một nhãn hiệu. Từ trước đến nay đây lại là một trong những quy định thường xuyên bị vi phạm.
Tiến sĩ Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng thực hiện môi trường không khói thuốc là một trong những thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có chiến dịch truyền thông hiệu quả và các nỗ lực thực thi bởi các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm.
“Người dân cần nhận thức được quyền của mình được sống trong môi trường không có khói thuốc và quyền có các hành động bảo vệ mình khỏi tác hại của khói thuốc thụ động. Những người không hút thuốc cần được khuyến khích và động viên để họ cảm thấy tự tin khi yêu cầu người khác ngừng hút thuốc tại nơi có quy định cấm như tại nhà”, tiến sĩ Kasai nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc. Có tới 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói tại nhà. Nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy 11% các ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hút mà cả những người xunh quanh. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hơn khói do người hút hít vào. Nó chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ lọc. Ước tính, cứ mỗi ngày, ở trong phòng với một người có hút thuốc lá một giờ thì nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người không hút cao gấp 100 lần so với việc sống 20 năm trong một tòa nhà chứa asen.
Thuốc lá là tác nhân gây nên nhiều bệnh như tim mạch, phổi, làm giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Các nghiên cứu cho thấy, nó làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng. Các thành phần của thuốc lá tìm thấy trong tinh dịch có những chất có thể kìm hãm sự hoạt động của hệ thống enzym choline actyltransferase, là chất cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động.
Nam Phương