Viêm khớp là một bệnh lý mạn tính của khớp có đặc tính là viêm và đau. Hậu quả là đưa đến hạn chế hoặc mất cử động khớp. Viêm khớp có rất nhiều dạng, thường gặp nhất là viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp dạng thống phong (gout).
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, các dạng viêm khớp thường có triệu chứng chung là sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu các triệu chứng trên kéo dài trên 2 tuần, tốt nên là nên đến khám bác sĩ chuyên khoa, ví dụ như bác sĩ chấn thương chỉnh hình hoặc bác sĩ cơ xương khớp.
Một số lưu ý khi bị viêm khớp
- Tập thể dục đều đặn để duy trì hoạt động linh hoạt của khớp, giúp các cơ và khớp khỏe hơn.
Thể dục nhịp điệu hay các bài tập dẻo dai có thể giúp giảm sưng các khớp. Ảnh: Lê Phương. |
Trong đó, bơi lội là môn vận động tốt nhất vì ít gây áp lực lên các khớp nhất.
Ngoài ra, các bài tập có động tác uyển chuyển như khiêu vũ giúp duy trì cử động bình thường của khớp, giảm cứng khớp và giúp cải thiện sự linh hoạt. Các bài tập kéo giãn như cử tạ giúp giữ hoặc tăng cường sức mạnh của cơ, giúp chống đỡ và bảo vệ khớp bị viêm. Nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia cử tạ.
Thể dục nhịp điệu hay các bài tập dẻo dai như đạp xe đạp, có thể giúp giảm sưng các khớp, giúp tốt cho tim mạch, giảm cân và cải thiện chức năng toàn thân.
- Nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn bài tập thể dục phù hợp nhất có thể hỗ trợ quá trình điều trị. Bất cứ bài tập nào mà không gây đau hay sưng trầm trọng hơn đều có thể thử để làm giảm triệu chứng viêm khớp.
- Chườm nóng và chườm lạnh có thể giúp giảm đau. Chườm nóng có thể làm giảm sưng, còn chườm lạnh làm tê vùng tổn thương. Tắm nước nóng vòi sen cũng giúp bớt căng các cơ và dịu cơn đau.
- Duy trì cân nặng bình thường. Thừa cân làm tăng sức ép lên các khớp, tăng nguy cơ đau khớp gối, khớp hông và đau thắt lưng.
- Cần vận động đúng tư thế. Các hoạt động thường ngày như khiêng vật nặng, đi lại, chạy... không đúng tư thế sẽ gây nén và xé ổ khớp làm căng các khớp gây viêm khớp.
- Duy trì chế độ ăn cân bằng. Một nguyên nhân của bệnh viêm khớp , đặc biệt là bệnh khớp là acid uric. Tránh dùng các thức ăn giàu purine như bia, thức uống có cồn, cá mòi, cá trích, trứng cá, men bia, thịt, rau đậu, nước thịt, nấm, măng tây, bông cải... gây ứ đọng acid uric.
- Dùng đậu hũ thay cho thịt. Nho đen và một vài loại acid béo có trong cá ví dụ dầu cá hồi, dầu oliu hoặc các loại hạt có chứa những chất hóa học làm giảm chỉ số acid uric và giảm viêm...
- Uống nhiều nước hoặc chất lỏng sẽ giúp làm tan rã acid uric trong máu, nhờ vậy ngăn ngừa sự hình thành các tinh thể acid uric trong khớp.
Phương Lê