Cùng xem một ca hút mỡ bụng truyền thống sẽ gồm những bước nào nhé!
Đề tài giảm mỡ bụng từ trước đến nay chưa bao giờ là “nguội” đối với phái đẹp. Để giải quyết vấn đề này, mỗi người có một cách lựa chọn khác nhau như tập thể dục, ăn kiêng, uống thuốc… Trong đó có một phương pháp nhanh chóng được khá nhiều phụ nữ lựa chọn, đó là phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng.
Vậy rốt cuộc lượng mỡ từ trong bụng được lấy ra bằng cách nào, hút mỡ cần lưu ý gì không, hãy cùng chuyên mục Làm đẹp tìm hiểu nhé!
Thông thường, mỗi người có hai lớp mỡ dưới da, một ở sát bề mặt, một ở sâu bên trong. Phương pháp hút mỡ bụng là lấy lớp mỡ ở sâu bên trong để không gây ảnh hưởng đến bề mặt da. Hút mỡ bụng là phương pháp đẩy mỡ thừa ra ngoài nhanh chóng thông qua một ống hút chuyên dụng.
Hút mỡ bụng dù sử dụng cách nào thì bước đầu tiên vẫn là xét nghiệm, cân nhắc có nên tiến hành phẫu thuật hay không. Bởi lẽ, muốn hút mỡ bụng thành công và ít rủi ro, biến chứng tiềm ẩn, cần phải xem xét tới các yếu tố sức khỏe.
Đối tượng được hút mỡ bụng
Đối tượng tốt nhất của phẫu thuật hút mỡ bụng chính là người khỏe mạnh, da có độ đàn hồi tương đối tốt, không mắc chứng tiểu đường, rối loạn đông máu, nhiễm trùng và lượng mỡ máu vừa phải.
Quy trình hút mỡ bụng
1. Hút mỡ cơ học
Quá trình phẫu thuật hút mỡ bụng bắt đầu bằng việc bác sĩ đánh dấu khu vực có mô mỡ để loại bỏ, xác định độ đàn hồi da cũng như khoanh vùng vị trí lý tưởng để thực hiện.
Khi lên bàn mổ, bệnh nhân sẽ được bơm dung dịch để cầm máu và thuốc tê, một số trường hợp được tiêm thêm thuốc giảm đau.
Với cách hút mỡ cơ học truyền thống, dụng cụ thường dùng là một ống thông (bản chất là một thanh kim loại rỗng nhỏ) gắn với máy bơm chân không. Chúng được đưa vào cơ thể qua vết rạch nhỏ mà bác sĩ tạo ra trên vùng được đánh dấu sẵn.
Đưa ống hút trực tiếp vào, bác sĩ sẽ điều khiển ống hút tiến hoặc lùi để phá vỡ các mô mỡ và hút mỡ ra bên ngoài những bình đựng sẵn.
Sau khi mỡ được hút ra, nếu bệnh nhân có quá nhiều da thừa sẽ được các bác sĩ cắt bớt đi. Tiếp đến, vết rạch sẽ được khâu lại cẩn thận.
Nếu phẫu thuật thành công, chỉ y tế có thể gỡ bỏ sau từ 5-10 ngày. Tuy nhiên, phương pháp này gây chảy máu và đau đớn bởi thực hiện phá tan mỡ theo cách cơ học.
2. Hút mỡ siêu âm
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều kỹ thuật hút mỡ bụng mới đã ra đời. Cách hút mỡ này sử dụng ống hút cannula (có sóng siêu âm) đưa vào bên trong, sẽ phát ra sóng siêu âm làm tan tế bào mỡ và sau đó, mỡ hóa lỏng sẽ được hút ra nhẹ nhàng nên không sưng đau, chảy máu và lồi lõm như cách làm cổ điển.
Trước đó bác sĩ sẽ tiêm một lượng lớn chất lỏng (gấp 5 lần so với lượng chất lỏng và mỡ được hút ra)
Cụ thể, chúng bao gồm thuốc tê cục bộ lidocaine, chất gây co thắt mạch epinephrine và dung dịch muối cho phép loại bỏ chất béo dễ dàng hơn. Lượng chất lỏng trên làm các mô mỡ sưng lên và cứng, gọi là các Tumescent, từ đó dễ dàng hút ra ngoài qua ống thông.
Điểm mạnh của phương pháp này là hạn chế mất máu, giảm các vết thâm tím và sự đau đớn cho bệnh nhân dù thời gian phẫu thuật kéo dài tới 4-5 giờ.
Hút mỡ bụng cần lưu ý điều gì?
Đối với một người khỏe mạnh, lượng mỡ hút tối đa một lúc tại tất cả bụng, đùi, mông là 300ml. Lượng này ở một người gầy thấp hơn rất nhiều, chỉ ở mức 80ml, nếu vượt quá dễ gây nhiều biến chứng.
Thời gian gần đây, nhiều người lựa chọn phẫu thuật kép, tức là sử dụng mỡ hút từ bụng để bơm vào ngực. Do cấy mỡ tự thân nên ít phản ứng phụ, tuy nhiên, mỗi lần bơm ngực chỉ được tối đa 100 ml, nhằm tránh hiện tượng mỡ tràn vào quá nhiều gây tắc mạch máu do không thẩm thấu kịp.
Hút mỡ có tác dụng vĩnh viễn, nhưng vẫn còn nhiều bất cập bởi nó chỉ định hình lại cấu tạo mô mỡ bụng, không thể chữa được béo phì như nhiều người lầm tưởng. Nếu bạn may mắn hút mỡ thành công mà vẫn tiếp tục ăn uống không điều độ, mỡ thừa sẽ tiếp tục được dung nạp và tích trữ trong cơ thể, dẫn đến việc hút mỡ bụng trở thành vô ích.