Người phụ nữ này vì mong muốn có được diện mạo hoàn hảo hơn đã tìm đến một cơ sở spa ở Hà Nội để tiêm filler. Thế nhưng sau khi tiêm 3 ngày, người phụ nữ này gặp biến chứng nặng nề: méo cằm, mũi bầm tím, mưng mủ căng mọng như quả cà chua... và phải vào BV Da liễu Trung ương điều trị.
Lại thêm 1 trường hợp méo mặt, mũi bọc mủ vì tiêm filler làm đẹp.
Bác sĩ điều trị cho cô là TS.BS Phạm Cao Kiêm - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương, ông cho biết bệnh nhân cần phải tiêm Hyaluronidase để hóa giải filler giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu, đồng thời sử dụng thuốc giãn mạch, chống huyết khối, và chống phù nề. Tuy nhiên việc điều trị sẽ rất khó khăn vì chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào.
Bệnh nhân cho biết có tiêm filler được quảng cáo là "xách tay" từ Hàn Quốc.
Trước trường hợp của cô gái này, cũng đã có rất nhiều trường hợp khác gặp biến chứng nguy hiểm vì tiêm filler làm đẹp. Điển hình như một bệnh nhân ở Hà Nam, cũng phải thăm khám tại BV Da liễu Trung ương do xuất hiện các vết bầm tím và ngày càng lan rộng từ mũi sang hai bên má, dưới vùng mắt. Bệnh nhân cho biết có tiêm filler được quảng cáo là "xách tay" từ Hàn Quốc.
Hay như chị Nguyễn Thị L. (Sinh năm 1994, quê Đắk Lắk) đã kiện chủ một thẩm mỹ viện ra tòa án quận 6, TP. HCM. Được biết, sau khi được chủ thẩm mỹ viện tiêm nửa mũi filler thì chị L. than đau, mặt mày choáng váng, ói liên tục. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng chị này vẫn bị mù mắt.
T.N gặp biến chứng vì tiêm filler để có chiếc mũi thanh thoát hơn.
Vốn dĩ xinh xắn, dễ thương rồi, nhưng T.N (Sài Gòn) luôn muốn gương mặt mình hoàn hảo hơn nữa. Cô gái trẻ đã quyết định tiêm filler để có chiếc mũi thanh thoát hơn. Tuy nhiên, "lột xác" chưa thấy đâu, T.N đã gặp phải biến chứng: "Em vừa tiêm filler được 2 ngày, hiện tại mũi em rất nhức, sưng thâm đen, có hạt nhỏ li ti nổi quanh đầu mũi. Chỗ tiêm cho em bảo là em bị kích ứng, uống thuốc kháng sinh và kháng viêm khoảng 1 tuần sẽ ổn. Nhưng em lo lắm, mấy chị chỉ em với".
Đây là trường hợp của chị H.T. Vì muốn có một chiếc cằm V-line đúng "mốt" hiện hành nhưng lại sợ đụng chạm dao kéo nên H.T. đã tiêm filler để cải thiện nhan sắc một cách nhanh chóng. Tuy nhiên sau khoảng một tuần, cằm đẹp đâu không thấy, H.T. chỉ thấy vùng cằm bắt đầu có triệu chứng mưng mủ, chảy dịch, sưng và đau.
Thời gian gần đây các bác sĩ liên tục lên tiếng cảnh báo về những biến chứng nặng nề sau khi người dân làm đẹp tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên vì mong muốn làm đẹp nhưng lại ham rẻ, các chị em vẫn tìm đến họ để rồi tiền mất tật mang.
Là một hình thức làm đẹp mới đang được giới trẻ ưa chuộng, tiêm filler là một thủ thuật không quá phức tạp, nhưng nếu người thực hiện không phải là bác sĩ thì sẽ không có mũi tiêm đúng yêu cầu.Hiện nay có những nhân viên spa bình thường cũng thực hiện tiêm filler cho khách hàng; hoặc có người chỉ được đào tạo qua loa các khóa ngắn hạn, thực hiện được vài ca cũng ra mở dịch vụ làm đẹp này. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trên.
Tiêm filler làm đẹp đang là trào lưu làm đẹp được ưa chuộng.
Bởi thế, để đảm bảo an toàn cho mình và những người thân, hãy tìm hiểu kỹ về dịch vụ làm đẹp này và đến những cơ sở thẩm mỹ uy tín, các bác sĩ có tay nghề cao để thực hiện. Ngoài ra, TS. Kiêm cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xử lý những cơ sở không có giấy phép, không đăng ký nhưng vẫn tiến hành những thủ thuật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.