Chị Xuân, 38 tuổi, ở Hải Phòng là một trong những bệnh nhân được áp dụng phương pháp này. Có vòng ngực nảy nở hơn các bạn cùng trang lứa nên chị hay dành thời gian chăm chút thêm. Do thường xuyên đi thăm khám và siêu âm định kỳ, chị phát hiện có khối u nhỏ ở tuyến vú bên phải. Kết quả tế bào học cho thấy có tế bào ác tính ở giai đoạn sớm.
Các bác sĩ bệnh viện tỉnh khuyên chị cắt bỏ toàn bộ vú phải để sau đó điều trị hóa chất và tia xạ. Không muốn chịu cảnh vòng ngực "một mất một còn", chị tìm lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tại đây chị đã được chỉ định cắt bỏ toàn bộ khối u và một phần vú, sau đó tạo hình ngay lại tuyến vú bằng chính phần nhu mô còn lại.
Sau 6 tháng phẫu thuật, hiện sức khỏe của Xuân phục hồi rất tốt. "Giờ tôi không còn phải lo lắng về khối u. Tuyến vú trước mổ bị sa trễ do sinh nở giờ lại trở nên gọn và săn sắc như thời con gái", chị Xuân chia sẻ.
Phẫu thuật mà vẫn bảo tồn được vòng một là ước mơ của nhiều chị em mắc ung thư vú. Ảnh: N.P. |
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, có nhiều cách tạo hình vú sau ung thư. Trước đây, người ta thường cắt bỏ toàn bộ, sau 2 năm thì tạo hình lại bằng chất độn silicone hoặc phần mềm tự thân. Về sau, các chuyên gia nhận ra rằng việc cắt bỏ u và tạo hình có thể tiến hành cùng lúc. Tuy nhiên, nếu tái tạo lại bằng túi silicone vào thì đến khi chiếu tia xạ hay dẫn đến biến chứng co rút bao, bao xơ, thậm chí túi bị lộ ra ngoài.
Gần đây, kỹ thuật cắt u tạo hình tức thì được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Thay vì cắt toàn bộ bầu vú, các bác sĩ cắt khối u, đồng thời tạo hình lại luôn bầu ngực bằng chính chất liệu là tổ chức vú mềm mại, không dùng chất độn. Điều quan trọng trong kỹ thuật này là phải tính toán mổ để giữ được cuống mạch nuôi cho đầu vú hoặc nhu mô vú còn sống. Đồng thời cắt phần da thừa để sau khi đóng lại bầu vú tròn trịa, mặc dù nhỏ bằng 2/3 hoặc một nửa ngày xưa.
"Để làm được điều này cần phải phối hợp tốt với các bác sĩ giải phẫu bệnh chuyện sâu để xác định xem mình cắt đến giới hạn an toàn chưa, cắt hết khối u chưa. Sau mổ vẫn có thể chiếu tia xạ bình thường vì chất liệu tạo hình là hàng thật”, tiến sĩ Hà lý giải.
Cũng theo tiến sĩ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu được phẫu thuật ở giai đoạn sớm, sẽ không có sự khác biệt về kết quả điều trị giữa những bệnh nhân cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và bệnh nhân được điều trị cắt u và bảo tồn tuyến vú.
Điều quan trọng là bệnh nhân phải được chẩn đoán bệnh sớm. Trong một số trường hợp bệnh nhân có nhân xơ trong bầu vú quá to hoặc quá nhiều, tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, đi chụp X-quang có nhiều vết canxi hóa thì bệnh nhân có thể yêu cầu mổ dự phòng ung thư.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng áp dụng được kỹ thuật này. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Khoa Tạo hình Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Đức thì khối u phải có kích thước nhỏ hơn 3cm (có thể chấp nhận các khối u có kích thước đến 5cm trong một số trường hợp), các khối u phải được đảm bảo cắt bỏ hoàn toàn dựa trên giải phẫu bệnh. Điều này đòi hỏi bệnh phẩm phải được sinh thiết tức thì, nghĩa là có sự phối hợp chặt chẽ với chuyên khoa giải phẫu bệnh để trả lời u đã được cắt bỏ hoàn toàn hay chưa, nên không phải trung tâm nào cũng làm được.
Phương pháp này không sử dụng khi có từ 2 khối u trở lên nằm ở 2 phần khác nhau của tuyến vú, có hiện tượng canxi hóa trên ¼ thể tích vú, xuất hiện đột biến gene BRCA, trường hợp không thể điều trị xạ trị trong vòng 2 tháng.
Từ ngày 3/3 đến 16/3, một đoàn các chuyên gia đầu ngành đến từ các đại học y danh tiếng của Mỹ như: Dartmouth, Johns Hopkins, Harvard… chuyên về tạo hình vú sau ung thư sẽ kết hợp cùng các bác sĩ khoa phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức, khám bệnh và phối hợp phẫu thuật. Bệnh nhân có thể tới khám tại khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt Tầng 3 nhà B5 Bệnh viện Việt Đức (số 14 phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc gọi theo số: 0438253531 (số máy lẻ 350) để được tư vấn 24/24h. |
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Nam Phương