Bộ trưởng Y tế giám sát việc phòng cúm h7n9 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Dzoăn Quy |
Theo bà Tiến, vai trò của kiểm dịch biên giới đường bộ, đường hàng không là hết sức quan trọng. Để thực hiện, cần phải có sự phối hợp liên ngành giữa y tế với công an, biên phòng, công thương, nông nghiệp. “Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phải ngăn không cho H7N9 vào Việt Nam”, bà Tiến nói.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cho biết, mỗi ngày sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có khoảng 100 chuyến bay đến với 10.000-15.000 hành khách. "Khó khăn hiện nay là máy đo thân nhiệt từ xa chỉ phát hiện được bệnh nhân sốt, chưa phát hiện được người ủ bệnh", ông Sáu nói. Ngoài ra, phần lớn các chuyến bay đến đều lưu lại không quá một giờ nên khó khăn trong việc khám, chẩn đoán bệnh nhân nghi ngờ và công tác khử trùng máy bay.
Clip soi thân nhiệt hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đến nay Trung Quốc đã có 24 trường hợp mắc bệnh và 7 ca tử vong. Quan ngại là bệnh chưa phát hiện chết gia cầm nhưng người mắc bệnh lại tử vong. Ông Long cũng khẳng định, Việt Nam có nguy cơ bị bệnh tấn công do giáp biên giới Trung Quốc và lượng khách nước ngoài đến thăm. Bộ Y tế đang kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ngăn mầm bệnh xâm nhập từ nguồn gia cầm nhập lậu qua biên giới.
bệnh viện bệnh nhiệt đới tp hcm sẽ là nơi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên nghi mắc H7N9. “Các bệnh nhân cúm phải được lấy mẫu để xét nghiệm H7N9 và Viện Pasteur TP HCM kiểm nghiệm kết luận cuối cùng”, ông Long nói.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Khám chữa bệnh và Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (bìa phải) thăm khu vực điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM. Ảnh: Thiên Chương |
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tại TP HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng là những cơ sở chịu trách nhiệm điều trị nếu có bệnh nhân cúm H7N9 cho TP HCM và cả khu vực. Bộ Y tế sẽ sớm có phác đồ điều trị H7N9 để sớm triển khai cho các bệnh viện.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM khẳng định bệnh viện này đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận và phân tuýp cúm, cho kết quả trong 24 giờ đồng hồ. “Khi có bệnh nhân dương tính với cúm A mà âm tính với H1, H3, H5, chúng tôi sẽ điều trị như H7N9 rồi tiếp tục làm xét nghiệm”, bác sĩ Châu nói.
Khó khăn lớn nhất của cúm H7N9 là virus hoàn toàn mới nên hạn chế thông tin về biểu hiện lâm sàng, mức độ mạnh của bệnh và đáp ứng điều trị. Tamiflu dạng thuốc uống chưa biết có đáp hiệu quả không. Ông Châu cũng lo ngại việc cách ly kiểm dịch từ sân bay về bệnh viện có thể quá tải nếu cứ phát hiện sốt là cách ly. Theo đó, cần có xét nghiệm ban đầu để giải phóng bệnh nhân, nếu nghi ngờ H7N9 thì mới chuyển Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm tiếp.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói rằng, khoa Nhiễm và Hồi sức cấp cứu đã trong tư thế sẵn sàng điều trị đến 120 trường hợp. Bệnh viện cũng có 8 đội cơ động để phục vụ khi cần thiết. Đại diện Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết khoa có đơn vị phản ứng nhanh và có khu cấp cứu riêng để điều trị bệnh nặng.
Bác sĩ Lê Hoàng San, Viện phó Viện Pasteur TP HCM cho biết, Viện sẽ thành lập nhiều đoàn để giám sát tại các địa phương có yếu tố nguy cơ. Chậm nhất là 3 ngày sẽ cho kết quả định danh H7N9.
Thiên Chương - Hồng Phúc