Chống nắng làm mất đi việc hấp thụ vitamin D. |
Phát biểu tại hội thảo mới đây về phòng chống loãng xương do Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, Phó trưởng Bộ Môn Sinh lý học, Đại học Y Hà Nội cho rằng, loãng xương là bệnh phổ biến ở Việt Nam.
Khoảng 25% phụ nữ 50 tuổi trở lên loãng xương ở cổ xương đùi; gần 50% bị loãng xương ở cột sống thắt lưng. Tỷ lệ này thấp hơn Hong Kong, nhưng cao hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng vậy, cứ 10 nam giới thì có một người bị loãng xương cổ xương đùi.
Tại hội thảo, TS Hương cũng cho rằng thói quen của người Việt đi ra ngoài trùm kín mít không tiếp xúc ánh nắng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh loãng xương ở phụ nữ cao hơn nam giới.
Tiến sĩ Hương giải thích vitamin D từ ánh nắng mặt trời được khuyến cáo là vitamin an toàn nhất. Hiện nay, việc tắm nắng của người Việt còn hạn chế. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn bịt kín mít cho trẻ em. Việc này làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D tự nhiên cho trẻ em. Ánh nắng trước 9h sáng và sau 4 giờ chiều được khuyến cáo là nguồn vitamin D tuyệt vời nhất để cơ thể hấp thu.
PSG Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết vitamin D là hóa chất mà cơ thể cần để khỏe mạnh. Nó đặc biệt giúp xương chắc khỏe, do có vai trò trong việc hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi. Thiếu vitamin D, chúng ta như đang "xây nhà mà chỉ có gạch, thiếu vữa". Trong đó 90% vitamin D hấp thu qua ánh nắng mặt trời nên việc chống nắng của chị em phụ nữ làm cho việc thiếu vitamin D và canxi của chị em càng trầm trọng hơn.
Trong những tháng mùa hè, mùa đông, mọi người thường mặc áo quần kín mít, ở nhiều nơi, ánh mặt trời còn không đủ mạnh để kích hoạt quá trình sản xuất vitamin D. Ngoài ra, người da vàng châu Á không sản sinh chất này dễ dàng như người da trắng, bởi các sắc tố tự nhiên trên da đã phản xạ phần lớn các tia UV cần thiết.
Hơn nữa, việc thiếu vitamin D còn do xu hướng chung hiện nay là mọi người thường làm việc và nghỉ ngơi trong nhà, vì thế cơ hội tiếp xúc với ánh nắng và sản sinh vitamin D là càng thấp.
Chẩn đoán oan trong loãng xương
Hậu quả của loãng xương rất nghiêm trọng, ánh hưởng tới gánh nặng chi phí cho y tế. Phụ nữ bị loãng xương dễ bị gãy xương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh lý của họ. Tuy nhiên, nói về loãng xương, TS Hương băn khoăn nhất là hiện nay ở Việt Nam đã có giá trị tham chiếu về mật độ xương cho người Việt.
Tuy nhiên có một thực tế là tất cả máy đo mật độ xương ở nước ta chưa sử dụng tham chiếu này của người Việt. Các máy đo loãng xương lấy chỉ số tham chiếu ở Nhật Bản thậm chí cả Châu Âu. Vì thế, nhiều người đang bị chẩn đoán oan nên điều trị oan.
Ảnh minh họa |
Tiến sĩ Hương và nhóm nghiên cứu của chị đã nghiên cứu cụ thể và lấy ví dụ 2 máy đo loãng xương của 2 trung tâm tại TP. HCM và Hà Nội, trong vòng 2 năm có 4.500 nam giới đến đo. Kết quả có 23% được chẩn đoán bị loãng xương nếu sử dụng tham chiếu do hãng sản xuất máy đo cung cấp.
Tuy nhiên, nếu sử dụng tham chiếu của người Việt thì có 7% bị loãng xương và sử dụng tham chiếu của Nhật Bản thì là 10%. Như vậy có khoảng 13% người bị chẩn đoán oan tương đương với 730 người.
Trong khi đó, để điều trị một ca loãng xương người bệnh phải chi trả tối thiểu 10 triệu đồng một năm. Không những tốn kém về mặt tiền bạc, họ còn chịu những tác dụng phụ không cần thiết do thuốc gây nên. Vì thế, tiến sĩ Hương cho rằng các cơ quan quản lý cần đưa giá trị tham chiếu của người Việt vào ứng dụng trong lâm sàng để giảm chẩn đoán và điều trị oan cho người bệnh.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học đều cho rằng việc cần thiết phải đưa ra các chuẩn trong chẩn đoán loãng xương để có việc điều trị đúng. Điều trị oan trong loãng xương là việc làm giàu cho cấc hãng dược và bán máy đo loãng xương.
- 25/12/14 16:25 Buồn rầu vì chứng khản tiếng mỗi buổi sáng
- 25/12/14 09:54 Những thực phẩm giã rượu tốt nhất
- 25/12/14 09:53 Giãn tĩnh mạch tinh: Lấy hai lần vợ vẫn không có nổi mụn con
- 23/12/14 17:16 12 lời khuyên giúp bạn không phải phiền muộn về sức khỏe trong năm mới