Ngày 9/5, sau gần 40 hôm được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Thái đã thoát khỏi cửa tử và được cho xuất viện.
Bệnh nhân sống tại Angola, mới về Việt Nam được 4 ngày thì bắt đầu có biểu hiện sốt, ho, khở thở. Lần đầu, ông đến phòng khám tư, được điều trị bằng kháng sinh nhưng không bớt bệnh. 3 ngày sau vẫn sốt cao 38 độ C, ho khan, rét run, ông tiếp tục đến một bệnh viện khác tại Hà Nội khám, được chẩn đoán viêm phế quản phổi. Điều trị 4 ngày thì ông rơi vào tình trạng rối loạn ý thức.
Sau hơn một tháng nằm viện, ông Thái mới thoát khỏi tay tử thần. Ảnh: N.P. |
Gia đình đưa ông đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu với chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng đường mật/xơ gan mạn, chuyển khoa Tiêu hóa điều trị ngày 2/4. Sau một ngày, tình trạng bệnh nhân nặng lên nên được chuyển đến khoa Điều trị tích cực, sau đó chuyển tiếp đến Khoa Truyền nhiễm. Với tiền sử từng sống tại Angola, các bác sĩ đã làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, nồng độ tìm được lên tới 376.470 ký sinh trùng/ml.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là một ca sốt rét có yếu tố dịch tễ rất rõ ràng, vừa trở về từ một nước ở khu vực châu Phi, nơi lưu hành bệnh sốt rét rất nhiều. Do mới đầu bị chẩn đoán nhầm bệnh nên đến khi bệnh nhân vào viện thì đã muộn, tình trạng đã rất nặng. Ông Thái bị biến chứng suy đa tạng, viêm phổi, phải thở máy.
Sau khi xác định sốt rét, ông được điều trị bằng thuốc đặc trị sốt rét nhưng số lượng ký sinh trùng sốt rét giảm rất chậm. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt rét kháng thuốc thế hệ mới nhưng đáp ứng tốt với loại thuốc thế hệ cũ là Quinin Sulfat.
"Quinin Sulfat trước năm 1994 chúng ta dùng rất nhiều, nhưng nay thì không. Rất may trong kho Viện Sốt rét ký sinh trung trung ương vẫn còn. Điều trị bằng thuốc này, tình trạng bệnh nhân dần được cải thiện", bác sĩ Tuấn nói.
Nam Phương