Anh Thập nhập viện Trung tâm y tế huyện Sơn Hà, lúc đầu được chẩn đoán viêm gan siêu vi. Sau đó men gan tăng cao đột biến, biểu hiện suy gan nặng, bệnh nhân phải chuyển đến Bệnh viện đa khoa quảng ngãi cấp cứu.
Xã Sơn Kỳ là địa phương giáp với xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà - nơi ghi nhận hai bệnh nhân đầu tiên có hội chứng dày sừng lòng bàn tay, bàn chân những ngày qua.
Vợ chồng anh Phạm Văn Đin và con trai Phạm Văn Hy (7 tuổi) ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, đều mắc bệnh viêm da lạ đang được theo dõi, điều trị ở Trung tâm y tế huyện Ba Tơ. Ảnh: Trí Tín. |
Bệnh viện Da Liễu Trung ương phối hợp Sở Y tế Quảng Ngãi đã hội chẩn, nhiều khả năng anh Thập mắc bệnh viêm da lạ nhưng tiền sử tổn thương lòng bàn tay, bàn chân không biểu hiện rõ. Hiện sức khỏe của bệnh nhân diễn biến xấu, có nguy cơ tử vong.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, trong sáng 7/3, đoàn cán bộ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Quy Nhơn) phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ khám sàng lọc, phát hiện thêm 4 bệnh nhân có hội chứng dày sừng lòng bàn tay, bàn chân. Như vậy, chỉ trong vòng hai tuần qua, ở huyện Ba Tơ có đến 14 người mắc bệnh viêm da lạ (11 người ở xã Ba Điền và 3 ở xã Ba Tô).
Các chuyên gia y tế của Bệnh viện Da liễu Trung ương lấy mẫu da bệnh nhân phân tích, tìm nguyên nhân gây bệnh da lạ. Ảnh: Trí Tín. |
Nhận định ban đầu về nguyên nhân tái phát của bệnh viêm da lạ, các chuyên gia y tế không loại trừ khả năng do bệnh nhân sử dụng trở lại loại gạo ủ. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng thông báo kết quả xét nghiệm mẫu gạo mà người dân ở xã Ba Điền sử dụng có một số loại nấm độc.
Về vấn đề này, ông Phong khẳng định, từ bao đời nay, đồng bào địa phương vẫn thường xuyên sử dụng loại gạo này có sao đâu, giờ quy kết bệnh "lạ" do gạo ủ này là không thuyết phục.
Gần 3 năm qua, ở hai huyện Ba Tơ và Sơn Hà có hơn 250 người mắc bệnh viêm da lạ, trong đó có 24 trường hợp đã tử vong. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.
Trí Tín