Chiều 11/4, bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Thuận cho biết chưa phát hiện hiện tượng lây nhiễm cúm A/H5N1 trên người trong số lao động ở cơ sở nuôi yến. "Trung tâm đang tiếp tục theo dõi và chủ động liên lạc với các cơ sở thực hiện giám sát dịch bệnh cúm diễn biến phức tạp", bác sĩ Linh nói.
Khoảng 4.000 con chim yến nuôi tại cơ sở Thanh Bình bị chết, kể từ cuối tháng 3 đến nay. Mẫu xét nghiệm chim chết cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. Mẫu chim sống và mẫu tổ yến lấy từ 2 cơ sở nuôi khác không có hiện tượng chết hàng loạt, thì cho kết quả âm tính với H5N1.
Một cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ninh. |
Nhà chức trách khuyến cáo toàn bộ nhân công ở 54 cơ sở nuôi chim ở Phan Rang Tháp Chàm kiểm tra sức khỏe. UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế lập ngay danh sách những người trực tiếp làm việc tại các cơ sở này và 2 nhà chim ở huyện Thuận Bắc để giám sát dịch tễ chặt chẽ. Các cơ quan liên quan cũng được yêu cầu tổ chức tuyên truyền vận động các cơ sở nuôi yến trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để ngành chức năng thực hiện giám sát dịch bệnh đến ngày 15/4.
Một số ý kiến cho rằng có thể yến chết nhiều do thời tiết quá nóng bức, không gian nuôi hẹp thiếu dưỡng khí trong khi đàn chim đông khoảng 100.000 con... Theo đại diện Chi cục thú y tỉnh Ninh Thuận, những ngày qua cơ quan chức năng đã phun thuốc khử trùng, tăng thêm quạt gió, phun nước... cho điểm nuôi yến nên lượng chim chết đã giảm đáng kể so với trước.
Trao đổi với VnExpress.net sáng cùng ngày, đại diện Trung tâm thú y vùng VI tại TP HCM cho biết đang phối hợp với nhà chức trách tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu chim yến hàng ngày để xét nghiệm kiểm tra giám sát H5N1. Dự kiến ngày 15/4 sẽ công bố kết quả dịch. Trung tâm này đã 4 lần lấy mẫu yến xét nghiệm thì 3 dương tính H5N1, một mẫu mới lấy tối 10/4 nên chưa có kết quả.
Sơn Ninh