Ăn kiêng low-carb là phương pháp ăn giảm cân được tiến sĩ người Mỹ Robert Atkins sáng tạo từ năm 1972. Với phương pháp này, người cần giảm cân phải cắt bỏ một phần rất lớn chất đường, bột, thay bằng đạm, béo và chất xơ trong khẩu phần ăn.
Nhập vào từ khóa “bán đồ ăn low-carb” trên Google, rất nhiều kết quả sẽ hiện ra giúp người dùng truy cập nhanh vào các cửa hàng bán đồ ăn kiêng trực tuyến. Chỉ vài cú nhấp chuột hay một cuộc điện thoại, sẽ có đồ ăn giao đến tận nhà.
Anh Tiến, chủ cửa hàng bán đồ ăn kiêng ở quận 3, TP.HCM cho biết, các cửa hàng bán đồ ăn này đang ngày càng đông khách. Từ chỗ chỉ là một cửa hàng online nhỏ, chuyên nhận đặt món và giao hàng, anh đã mở địa điểm để khách tới ăn trực tiếp.
Cũng theo chủ cửa hàng này, món ăn được bán chạy nhất hiện nay là các loại bánh ngọt dành cho người kiêng đường bột. Loại bánh làm bằng trứng và bột hạnh nhân, đường ăn kiêng. Giá bột hạnh nhân khoảng 300.000 đồng/kg, đường ăn kiêng 800.000 đồng/kg, ngoài ra còn có bơ động vật, phô mai…
Nguyên liệu đắt đỏ nên giá thành chiếc bánh dành cho người ăn kiêng luôn cao gấp 10 lần so với một chiếc bánh thường.
Cụ thể, bánh bông lan cuộn kem đang được các cửa hàng rao bán khoảng 50.000 đồng một cái, bánh bông lan phô mai 30.000 đồng một miếng, tiramisu 150.000 đồng một cái, bánh sinh nhật loại nhỏ 300.000-400.000 đồng một cái…
Anh Long, chủ một cửa hàng tại quận 10 cũng cho biết, một kg bún thường giá 15.000 đồng, nhưng một kg bún ăn kiêng đến 180.000 đồng. Do vậy mà giá thành món ăn kiêng cao hơn rất nhiều so với phần ăn bình thường. Cửa hàng anh đang có hơn 100 món ăn, chiếm phần lớn là các món mặn, hầu hết đều ở mức giá trên 50.000 đồng một món.
Thực đơn ăn kiêng của một cửa hàng trực tuyến. |
Ngoài cung cấp các món ăn, nhiều cửa hàng tại TP.HCM còn bán nguyên liệu để người tiêu dùng mua về tự chế biến. Chị Phương ở quận 11, chuyên cung cấp sỉ và lẻ nguyên liệu, thưc phẩm low-carb cho biết, trước đây chị chỉ bán dụng cụ, nguyên liệu làm bánh.
Thấy nhu cầu ăn low-carb ngày càng nhiều, chị mạnh dạn nhập nguyên liệu về bán, đến nay mặt hàng này có sức tiêu thụ rất mạnh tại cửa hàng chị.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều khách hàng, không phải ai cũng may mắn gặp được cửa hàng uy tín giữa "chợ" đồ ăn kiêng tràn ngập trên mạng hiện nay. Khách mua hàng chủ yếu là nghe truyền miệng, đọc "còm" chia sẻ tại các trang mạng và tìm mua, không hề có thẩm định của cơ quan chuyên môn.
Chị Huyền, ở quận 4, cho biết chị bị bệnh huyết áp, không vận động nhiều được nên đặt hy vọng giảm cân vào chế độ ăn uống. Tháng đầu, chị theo low-carb, bị tăng lên 5,5 kg, vì mua phải đồ ăn trộn bột của người bán không uy tín.
Ông Nguyễn Quý Đức, quản lý một nhóm các cửa hàng thức ăn low-carb tại TP.HCM thừa nhận, hiện đang có khá nhiều cửa hàng bán thức ăn kiêng trôi nổi, không ai quản lý và kiểm định.
“Ăn low-carb bằng thức ăn bán sẵn là người dùng đã đặt cược sức khỏe vào thức ăn của cửa hàng. Vì vậy, mọi người phải sáng suốt sử dụng thức ăn chất lượng, đúng chuẩn từ các cửa hàng uy tín”, ông Đức nói.
Theo Zing
Có thể bạn quan tâm: