"Anh thích tiêm phòng thì cứ bắt mà tiêm, chứ nhà tôi không có tiền". Nhiều chủ chó đã giở bài cùn như vậy khi cán bộ thú y đến vận động tiêm chó. Ông Văn Đăng Kỳ, Phó phòng Dịch tễ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mặc dù giá một mũi chỉ 6.000-7000 đồng nhưng rất nhiều gia đình từ chối, nhất là ở nông thôn. Có nhà nuôi cả đàn chó nhưng chỉ chịu tiêm cho 1-2 con gọi là có, để khỏi bị cán bộ thú y "làm phiền". Nghĩ là chó nhà không thể mắc dại, họ không muốn bỏ tiền ra tiêm phòng vì sợ lãng phí. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 triệu con chó của Việt Nam, chỉ có khoảng 50% được tiêm phòng.
Theo ông Văn Đăng Kỳ, một nguyên nhân quan trọng nữa khiến người dân không chịu tiêm phòng cho chó là người chủ không bị truy cứu trách nhiệm khi vật nuôi của mình gây tai nạn. Ông Kỳ cho biết, nhằm khắc phục điều vô lý này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo Nghị định về quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại cho động vật. Nghị định sẽ giúp quản lý chặt hơn đàn chó và là cơ sở pháp lý để xử phạt chủ nhân những con chó gây dại do không tiêm phòng. Khi Nghị định này ra đời, việc yêu cầu người dân khai báo và tiêm phòng khi nuôi chó, đeo rọ mõm cho chúng khi ra ngoài... sẽ dễ thực hiện hơn. Đặc biệt, khi chó lỡ cắn người thì chủ nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hiện cả nước có khoảng 500-600 nghìn người phải tiêm phòng dại mỗi năm do bị chó cắn, trong đó hầu hết là chó nhà. Người bị chó cắn ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ mắc dại còn bị tổn thương nặng về tinh thần và chịu tốn kém khá lớn để tiêm vacxin. Nếu dùng vacxin nội, họ phải trả khoảng 50 nghìn đồng/mũi. Đây là loại vacxin rẻ nhất nhưng hay có phản ứng phụ như ngứa, tấy đỏ, buồn nôn, chóng mặt... Vacxin ngoại Verorab có hiệu lực cao, không gây phản ứng phụ nhưng giá đến 700 nghìn đồng/mũi. Trung bình mỗi người phải tiêm 6 mũi cơ bản và 2 mũi nhắc lại trong vòng 5 tuần. Như vậy,
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nghiên cứu tiêm vacxin Verorab dưới da. Cách này giúp giảm một nửa giá thành. Nghĩa là bệnh nhân chỉ phải trả 300.000 đồng/mũi thay vì 700.000 đồng như hiện nay. |
Nhưng nếu không tiêm phòng, người bị chó dại cắn sẽ mất mạng. Bà Đinh Kim Xuyến, Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia cho biết, ở giai đoạn lên cơn, tỷ lệ tử vong ở người mắc dại gần như là 100%. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm.
Bà Xuyến khuyến cáo, khi bị súc vật nghi dại cắn, phải lập tức rửa vết thương nhiều lần bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa nước muối và các chất sát khuẩn. Không nên mắm môi mắm lợi bóp dập nát vết thương. Việc xử lý vết thương sớm và đầy đủ sẽ hạn chế được 30% nguy cơ phát bệnh dại. Sau khi rửa, bệnh nhân phải đến trung tâm y tế dự phòng để được khám và chỉ định là nên tiêm vacxin hay huyết thanh kháng dại (có khi cả hai), hay chỉ phải theo dõi chó mà không tiêm phòng. Không nên đến thầy lang và dùng thuốc Nam để chữa chó cắn. |
Hà Hải