Gần đây tại nhật bản ghi nhận 8 nữ sinh (14-18 tuổi) gặp tai biến sau khi tiêm hai loại vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung là Cervarix và Gardasil. Cụ thể, họ bị những cơn đau toàn thân, đặc biệt là đau đầu. 4 trong số 8 người này phải ngồi xe lăn do liệt một phần cơ thể. Gia đình của các thiếu nữ đã kiến nghị Bộ trưởng Y tế Nhật ngưng dùng 2 vắcxin này. Bộ Y tế nước này cho biết đã nhận được báo cáo về 1.968 ca tai biến trên 3.280.000 người tiêm.
Tại Việt Nam, hai loại vắcxin này cũng được cấp phép lưu hành từ năm 2006, hiện được tiêm dịch vụ. Vì thế, thông tin này khiến không ít phụ huynh lo lắng. Chị Minh (Gia Lâm, Hà Nội) quyết định hoãn lại ý định đưa con gái đang học lớp 6 đi tiêm vắcxin. "Vắcxin này không phải rẻ, một triệu đồng một mũi mà phải tiêm tất cả 3 mũi. Bỏ ra bằng đấy tiền rồi lại lo sợ con bị tai biến liệt thì tốt nhất là đợi. Đằng nào độ tuổi tiêm cũng kéo dài đến ngoài 20, lúc đấy tiêm cũng không muộn", chị Minh nói.
Ảnh minh họa: Impactnews. |
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết chưa nhận được các khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới về tai biến bất thường liên quan đến vắcxin này.
Từ khi các loại vắcxin phòng ung thư cổ tử cung được sử dụng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã theo dõi, đánh giá về tính an toàn của chúng. Trong đó, chủ yếu ghi nhận các phản ứng nhẹ sau tiêm như: sốt, sưng, đau tại chỗ tiêm, nổi mề đay, nhức đầu sau đó tự hồi phục.
Tháng 4/2013, một thiếu nữ 17 tuổi ở TP HCM đã tử vong sau tiêm vắcxin Cervarix. Tuy nhiên, kết quả điều tra, đánh giá nguyên nhân sau đó kết luận trường hợp này không liên quan đến tiêm chủng mà do ngộ độc.
Trước đó, năm 2008-2011, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã triển khai tiêm vắcxin Gardasil cho trẻ gái 11 tuổi tại 4 huyện ở Cần Thơ và Thanh Hóa. Mỗi trẻ được tiêm 3 mũi vào các tháng 0-2-6. Kết quả, đã có 9.500 trẻ được tiêm, trong số này khoảng 1% có phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt sau đó tự khỏi. Không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng cho biết, Cervarix và Gadasil là hai vắcxin mới được đưa vào Việt Nam, trên thế giới nhiều nước đã tiêm từ lâu, thậm chí đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước đây không có nhiều người tiêm ngừa nhưng gần đây con số này tăng lên rõ rệt do được truyền thông.
"Chúng tôi chưa ghi nhận ca phản ứng phụ nghiêm trọng nào như liệt ở Nhật Bản. Các phản ứng nhẹ như sưng đau chỗ tiêm là có", ông Cảm cho biết.
Đây không phải lần đầu nghi vấn về tính an toàn của loại vắcxin này được đặt ra. Trước đó vào năm 2009, một báo cáo của chính phủ Mỹ đã nêu ra những nghi vấn mới về tính an toàn của vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil, do có liên quan tới 32 ca tử vong không rõ nguyên nhân, cũng như có tỷ lệ bị ngất choáng và máu đóng cục cao hơn so với các văcxin khác. Tuy nhiên, sau đó Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ kết luận không có trường hợp nào trong số tử vong này do vắcxin gây ra. Vì thế, Mỹ vẫn tiếp tục khuyến cáo sử dụng vắcxin Gardasil để ngừa 4 loại virus gây ung thư cổ tử cung.
HPV là viết tắt của Human Papillomavirus, một loại vi rút ở người. Nó lây truyền từ người này sang người khác qua đường quan hệ tình dục (gồm âm đạo, miệng và quan hệ tình dục qua đường hậu môn). Nhiễm HPV có thể là nguyên nhân dẫn tới một số loại ung thư như: cổ tử cung, âm hộ và âm đạo ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới. Tiêm phòng vắcxin là cách cần thiết để phòng ngừa hầu hết các loại ung thư do nhiễm HPV.
Hai vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung được tiêm tại Việt Nam là: Cervarix, do Công ty GSK của Bỉ sản xuất được chỉ định sử dụng cho các bé gái và phụ nữ ở độ tuổi 10-25 và Gardasil do Công ty MSD của Mỹ sản xuất được chỉ định tiêm cho nữ ở độ tuổi 9-26. Trong đó để đảm bảo hiệu quả bảo vệ cần tiêm 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 1-2 tháng, mũi 3 cách mũi 1 là 6 tháng.
Nam Phương