Phó giáo sư Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia chia sẻ như trên tại tọa đàm về tiêm chủng mở rộng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 2/8.
Theo phó giáo sư Hiển, thử phản ứng trước khi tiêm với văcxin sinh phẩm chỉ dành cho kháng huyết thanh, như văcxin kháng dại, uốn ván… Trong trường hợp này, người ta thử phản ứng trước khi tiêm vì có tỷ lệ phản ứng và sốc nhất định. Trường hợp có phản ứng sốc phản vệ sau khi tiêm văcxin nếu được phát hiện sớm, được can thiệp đúng phác đồ, điều trị kịp thời thì trẻ đều qua khỏi và khỏe mạnh.
Ảnh minh họa: Dương Ngọc. |
Liên quan đến việc tiêm văcxin viêm B mũi sơ sinh hiện có bệnh viện yêu cầu người nhà ký cam kết, giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định: "Việc thực hiện như vậy là không đúng quy định của Bộ Y tế. Công tác tiêm chủng an toàn và chất lượng phụ thuộc vào quy trình tiêm chủng mà ở đây là vai trò của cán bộ y tế ở điểm tiêm chủng đó như tổ chức buổi tiêm, bảo quản, vận chuyển văcxin, thao tác sau khi tiêm, lưu trữ hồ sơ… Đó là trách nhiệm của điểm tiêm chủng và cán bộ y tế".
Tuy nhiên, theo giáo sư Hiển, trong phiếu tiêm chủng nên yêu cầu bà mẹ cần tăng cường hợp tác với cán bộ y tế. Chẳng hạn, khi cho trẻ đi tiêm thì mang theo phiếu tiêm chủng, đọc kỹ áp phích về quy trình tiêm chủng và đối chiếu thực hành tiêm chủng xem có phù hợp với quy định không. Nếu không phù hợp thì gia đình có quyền không cho con tiêm và nhắc cán bộ y tế thực hiện đúng quy trình.
Ngoài ra, các bà mẹ cũng phải thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử, tình hình sức khỏe của trẻ trước khi khi tiêm, phản ứng sau tiêm của mũi văcxin trước… để bác sĩ cho chỉ định phù hợp. Đồng thời bà mẹ có quyền hỏi cán bộ y tế rằng "Con tôi được tiêm văcxin gì hôm nay? Phải theo dõi trẻ thế nào".... Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm và sau đó là 1-2 ngày sau tiêm tại nhà.
Vấn đề văcxin thế hệ mới cũ, văcxin vô bào, toàn tế bào... cũng được nhiều chuyên gia bàn luận. Giáo sư Nguyễn Trần Hiển cho rằng so sách văcxin vô bào và toàn tế bào thì cần xét trên hai khía cạnh. Về tính an toàn thì văcxin vô bào an toàn hơn, nghĩa là ít phản ứng phụ tại chỗ hơn, chứ không phải ít tai biến nghiêm trọng hơn. WHO đánh giá tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm của 2 loại này là như nhau. Về mặt sinh học, có nghiên cứu trên thế giới đang đề nghị xem xét lại văcxin vô bào vì tại một số nước đáp ứng sinh miễn dịch thấp hơn toàn tế bào, khi sử dụng xem xét cân nhắc việc tiêm nhắc lại.
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho rằng, văcxin viêm não Nhật Bản và bại liệt có tỷ lệ tai biến rất thấp. Văcxin viêm não do Việt Nam sản xuất 3-4 thập kỷ nay không những tai biến thấp mà có tác dụng bảo vệ cao, góp phần đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta. Trước đây, cứ đến hè có hàng trăm trẻ nhập viện, phần lớn tử vong, trường hợp nào qua khỏi thì để lại di chứng nặng nề, mất trí… Hiện nay trẻ nhập viện vì bệnh này thấp.
Văcxin luôn phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 2-8 độ C. Ảnh: Dương Ngọc. |
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu được 5 triệu liều văcxin viêm não Nhật Bản trong những năm gần đây. Văcxin bại liệt hầu như không có tai biến. Nhờ đó nước ta đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, là một trong những nước đầu tiên ở châu Á thanh toán được bệnh này.
"Việt Nam rất cập nhật công nghệ sản xuất của thế giới và đang có chủ trương sản xuất văcxin theo công nghệ mới như viêm gan B sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp AND, bại liệt đang triển khai theo công nghệ tiêm… Tuy nhiên, để có một văcxin mới thì phải qua quá trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, tiêm thử người tình nguyện, đảm bảo an toàn thì mới cấp phép sản xuất quy mô lớn, để sử dụng cho người dân. Quy trình này mất ít nhất 5 năm", giáo sư Bảng nói.
Về lo ngại tiêm miễn phí của Nhà nước sẽ nhiều nguy cơ hơn là tiêm dịch vụ, giáo sư Bảng cho biết, nói văcxin tiêm dịch vụ thì ít tai biến hơn văcxin tiêm chủng mở rộng là chưa đúng mức, chưa có cơ sở, cần có nghiên cứu điều tra. "Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào, kết luận văcxin nào ít biến chứng hơn văcxin kia. Do vậy, tôi nghĩ rằng các bà mẹ hãy yên tâm đưa trẻ đi tiêm phòng, lựa chọn cho trẻ được tiêm văcxin ở những nơi phù hợp với mình", giáo sư Bảng nói.
Văcxin được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C trong mọi khâu của quá trình tiêm chủng. Văcxin nhập từ nước ngoài hoặc từ công ty sản xuất phân phối đến các Viện khu vực ở Việt Nam thì được vận chuyển bằng máy bay, bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
Từ các Viện khu vực - có nhà lạnh bảo quản, văcxin được chuyển định kỳ 2 tháng một lần đến các tỉnh bằng các xe lạnh chuyên dụng. Tại tuyến tỉnh văcxin cũng được bảo quản ở kho lạnh hoặc tủ lạnh chuyên dụng, định kỳ được chuyển từ tỉnh xuống huyện trong các hòm lạnh bằng ôtô, xe máy. Từ huyện xuống xã, nó được vận chuyển trong các hòm lạnh, phích lạnh và chỉ chuyển trong ngày tiêm chủng.
Trong gần 30 năm qua, công tác tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Trần Hiển, điều này có thể tạo tâm lý chủ quan, thỏa mãn dẫn đến giảm đầu tư cho chương trình tiêm chủng. Điều này là sai lầm vì kinh nghiệm nhiều nước như Trung Quốc và một số nước ở châu Âu đã bùng phát trở lại bệnh bại liệt sau một thời gian kiềm chế thành công. Trong khi hiện nay việc lan truyền các căn bệnh có thể rất nhanh. Gần đây có các phản ứng sau tiêm dẫn đến người dân hoang mang, cán bộ y tế lo ngại, giảm lòng tin nhất là các sự cố xảy ra ở quảng trị vừa qua.
Thách thức thứ hai là việc tiếp cận tiêm chủng khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi với những khó khăn về địa lý, văn hóa, kinh tế… Ngoài ra, nhu cầu của người dân ngày càng cao về chất lượng văcxin , văcxin thế hệ mới, văcxin phối hợp…, giáo sư Hiển cho biết.
Nam Phương