Phụ nữ cần được chồng quan tâm, chăm sóc nhiều hơn sau khi sinh nở. |
Sau một tháng điều trị, bệnh tình của chị V. đã thuyên giảm rõ rệt. Bác sĩ Lê Quốc Nam, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết, đây là một trong những bệnh nhân may mắn được phát hiện và điều trị kịp thời. Đa số trường hợp trầm cảm sau sinh được phát hiện muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn; có khi bệnh nhân gây nguy hiểm cho tính mạng của chính mình và những người xung quanh.
Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết, sau khi sinh nở, phụ nữ thường có những thay đổi về cảm xúc và tâm lý như dễ bị kích thích, lo âu, mất ngủ dù con không quấy đêm, khó tập trung chú ý... Các triệu chứng trên xuất hiện 3-6 ngày sau sinh và kéo dài trong vài ngày. Nếu nó kéo dài hơn 10 ngày và ở mức độ nặng hơn, sản phụ được xem là mắc trầm cảm sau sinh.
Theo một nghiên cứu mới đây, hơn 5% sản phụ ở TP HCM mắc chứng bệnh trên, phần lớn ở mức độ vừa (41%) và nặng (47%). Hơn 41% số bệnh nhân có ý nghĩ hay hành vi tự tử. Nghiên cứu phát hiện các yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh, bao gồm:
- Có mối quan hệ vợ chồng không được tốt đẹp (chiếm 60% trường hợp).
- Có tiền căn lo âu hoặc mất ngủ, hay phối hợp cả hai (30%).
- Có thói quen dùng rượu hoặc thuốc lá, hay phối hợp cả hai (29%).
- Không có ai để tâm sự (22%).
- Sinh khó (18%).
- Gặp khó khăn khi cho con bú (17%).
- Phải tự chăm sóc bản thân sau sinh (11%).
- Sinh con không được khỏe mạnh (11%).
- Không nhận được sự giúp đỡ nào trong việc chăm sóc bé ban đêm (10%).
Bác sĩ Lâm Xuân Điền cho biết, nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh hiện chưa được xác định. Nhiều người cho rằng bệnh lý này liên quan đến di truyền, sinh học và tâm lý xã hội, hoặc liên quan đến sự thay đổi hoóc môn trong thời gian mang thai và sau sinh.
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh bao gồm: dễ bị kích thích, mất ngủ, nản chí, bất lực, lo âu về việc chăm sóc em bé, thậm chí không thích đứa con ruột của mình. Một số bệnh nhân bị hoang tưởng (chẳng hạn nghĩ là con mình sẽ có một số phận bi thảm), có ảo giác, ảo thanh (nghe một giọng nói bắt mình phải làm điều gì đó). Trong trường hợp này, người mẹ có thể giết con mà không hay biết.
Bác sĩ Lâm Xuân Điền cho biết, trong thực tế, trầm cảm sơ sinh không dễ phát hiện vì bệnh nhân và nhiều thầy thuốc thiếu hiểu biết về căn bệnh này. Mặt khác, nhiều gia đình có mặc cảm xấu hổ, sợ người chung quanh biết nhà mình có "người điên” nên giấu kín, đến khi bệnh nặng mới đưa đi khám. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân được phát hiện muộn, điều trị khó khăn hơn. Theo bác sĩ Điền, ngành y tế cần có chương trình giáo dục tiền sản cho thai phụ và gia đình để cung cấp kiến thức về tình trạng sức khỏe, nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản. Chương trình này cũng hướng dẫn cách chăm sóc cháu bé cho cả hai vợ chồng, tạo điều kiện cho người chồng hỗ trợ vợ một cách tốt nhất.
Để phòng ngừa trầm cảm, các thành viên trong gia đình cần tạo ra một bầu không khí vui tươi, chan hòa tình cảm cho sản phụ; tránh gây ra những tổn thương tâm lý nặng (chẳng hạn chồng mắng nhiếc vợ vì không sinh được con trai). Ngoài ra, nên theo dõi kỹ sản phụ trong những ngày đầu sau sinh. Nếu thấy họ có biểu hiện buồn rầu, chán nản thì đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
(Theo Người Lao Động)